Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Châu Văn Trọng
14/12/2022 14:05 PM

Người sử dụng lao động trốn đóng BHXH cho người lao động thì có thể bị xử lý hình sự không? - Mai Nguyên (TP. HCM)

Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự

Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau: 

1. Trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN là gì?

Điều 2 Nghị quyết 05/2019/NQ-HĐTP đưa ra hướng dẫn về một số thuật ngữ được sử dụng trong quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) như sau:

- Trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là hành vi của người sử dụng lao động có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động,

Mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động thuộc đối tượng phải tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

- Gian dối để không đóng, không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp cố ý không kê khai hoặc kê khai không đúng thực tế việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp với cơ quan có thẩm quyền.

- Không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là trường hợp người sử dụng lao động:

+ Không gửi hồ sơ đăng ký đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với người lao động; hoặc,

+ Có gửi hồ sơ và đã xác định rõ, đầy đủ số người phải đóng hoặc các khoản phải đóng, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp, nhưng không đóng tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.

- Không đóng đầy đủ tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp là việc người sử dụng lao động đã xác định rõ, đầy đủ các khoản đóng bảo hiểm, lập chứng từ, hồ sơ quyết toán lương cho người lao động, thu nhập doanh nghiệp,

Nhưng chỉ đóng một phần tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho cơ quan bảo hiểm xã hội theo quy định.

- 06 tháng trở lên quy định tại khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) được xác định là 06 tháng liên tục hoặc 06 tháng cộng dồn trở lên.

2. Tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho NLĐ theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015

Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) quy định về Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động như sau:

* Đối với cá nhân phạm tội

- Khung 1:

Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm đối với người nào có nghĩa vụ đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động mà gian dối hoặc bằng thủ đoạn khác để không đóng hoặc không đóng đầy đủ theo quy định từ 06 tháng trở lên thuộc một trong những trường hợp sau, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm:

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 50.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 10 người đến dưới 50 người lao động.

- Khung 2:

Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Phạm tội 02 lần trở lên;

+ Trốn đóng bảo hiểm từ 300.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho từ 50 người đến dưới 200 người lao động;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm a hoặc điểm b khoản 1 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

- Khung 3:

Phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm khi phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

+ Trốn đóng bảo hiểm 1.000.000.000 đồng trở lên;

+ Trốn đóng bảo hiểm cho 200 người lao động trở lên;

+ Không đóng số tiền bảo hiểm đã thu hoặc đã khấu trừ của người lao động quy định tại điểm b hoặc điểm c khoản 2 Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).

- Hình phạt bổ sung:

Người phạm tội trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN cho người lao động còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

* Đối với pháp nhân thương mại phạm tội

Pháp nhân thương mại phạm Tội trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động theo Điều 216 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì bị phạt như sau:

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 1 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 2 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng;

- Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Khung 3 nêu trên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 24,792

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]