Cán bộ, công chức cấp xã có những chức vụ, chức danh nào?
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 3 Điều 4 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ cấp xã là công dân Việt Nam, được bầu cử giữ chức vụ theo nhiệm kỳ trong Thường trực Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Bí thư, Phó Bí thư Đảng ủy, người đứng đầu tổ chức chính trị - xã hội;
Công chức cấp xã là công dân Việt Nam được tuyển dụng giữ một chức danh chuyên môn, nghiệp vụ thuộc Ủy ban nhân dân cấp xã, trong biên chế và hưởng lương từ ngân sách nhà nước.
Cụ thể tại khoản 2 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức 2008, chức vụ của cán bộ cấp xã bao gồm:
- Bí thư, Phó Bí thư Đảng uỷ;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
- Chủ tịch, Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân;
- Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh;
- Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam;
- Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam (áp dụng đối với xã, phường, thị trấn có hoạt động nông, lâm, ngư, diêm nghiệp và có tổ chức Hội Nông dân Việt Nam);
- Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam.
Các chức danh của công chức cấp xã bao gồm:
- Trưởng Công an (áp dụng đối với xã, thị trấn chưa tổ chức công an chính quy theo quy định Luật Công an nhân dân 2018)
- Chỉ huy trưởng Quân sự;
- Văn phòng - thống kê;
- Địa chính - xây dựng - đô thị và môi trường (đối với phường, thị trấn) hoặc địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường (đối với xã);
- Tài chính - kế toán;
- Tư pháp - hộ tịch;
- Văn hóa - xã hội.
Công chức cấp xã do cấp huyện quản lý.
(Khoản 3 Điều 61 Luật Cán bộ, công chức 2008)
* Lưu ý: Cán bộ, công chức cấp xã quy định tại mục 2.1 và mục 2.2 bao gồm cả cán bộ, công chức được luân chuyển, điều động, biệt phái về cấp xã.
Theo Điều 62 Luật Cán bộ, công chức 2008, cán bộ, công chức cấp xã có các quyền và nghĩa vụ như sau:
- Thực hiện các nghĩa vụ, quyền quy định tại Luật Cán bộ, công chức 2008, quy định khác của pháp luật có liên quan, điều lệ của tổ chức mà mình là thành viên.
- Cán bộ, công chức cấp xã khi giữ chức vụ được hưởng lương và chế độ bảo hiểm; khi thôi giữ chức vụ, nếu đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật được xem xét chuyển thành công chức, trong trường hợp này, được miễn chế độ tập sự và hưởng chế độ, chính sách liên tục;
Nếu không được chuyển thành công chức mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì thôi hưởng lương và thực hiện đóng bảo hiểm tự nguyện theo quy định của pháp luật; trường hợp là cán bộ, công chức được điều động, luân chuyển, biệt phái thì cơ quan có thẩm quyền bố trí công tác phù hợp hoặc giải quyết chế độ theo quy định của pháp luật.
Các quy định về bầu cử, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã được quy định tại Điều 63 Luật Cán bộ, công chức 2008 (sửa đổi tại Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức sửa đổi 2019):
- Việc bầu cử cán bộ cấp xã được thực hiện theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, điều lệ của tổ chức có liên quan, các quy định khác của pháp luật và của cơ quan có thẩm quyền.
- Việc tuyển dụng công chức cấp xã phải thông qua thi tuyển; đối với vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì có thể được tuyển dụng thông qua xét tuyển.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp huyện tổ chức tuyển dụng công chức cấp xã theo quy định của Chính phủ.
- Việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã phải căn cứ vào tiêu chuẩn của từng chức vụ, chức danh, yêu cầu nhiệm vụ và phù hợp với quy hoạch cán bộ, công chức.
Chế độ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do cơ quan có thẩm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam, Chính phủ quy định.
Kinh phí đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn thu khác theo quy định của pháp luật.