Hệ thống Cơ quan Điều tra hình sự theo pháp luật Việt Nam

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/02/2023 17:00 PM

Tôi muốn hỏi hệ thống Cơ quan Điều tra hình sự ở Việt Nam bao gồm những cơ quan nào? - Việt Phương (Long An)

Hệ thống Cơ quan Điều tra hình sự theo pháp luật Việt Nam

Hệ thống Cơ quan Điều tra hình sự theo pháp luật Việt Nam (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Các nguyên tắc tổ chức Điều tra hình sự

Việc tổ chức Điều tra hình sự phải tuân thủ các nguyên tắc được quy định tại Điều 3 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, cụ thể như sau:

- Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật.

- Bảo đảm sự chỉ đạo, chỉ huy tập trung thống nhất, hiệu lực, hiệu quả; phân công, phân cấp rành mạch, chuyên sâu, tránh chồng chéo và được kiểm soát chặt chẽ; Điều tra kịp thời, nhanh chóng, chính xác, khách quan, toàn diện, đầy đủ, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

- Cơ quan Điều tra cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ của Cơ quan Điều tra cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước cấp trên và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

- Chỉ cơ quan, người có thẩm quyền quy định trong Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015 mới được tiến hành hoạt động điều tra hình sự.

2. Hệ thống Cơ quan Điều tra hình sự theo pháp luật Việt Nam

Cụ thể tại Điều 4 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, hệ thống Cơ quan Điều tra hình sự bao gồm: Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân; Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân; Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

Cụ thể như sau:

2.1. Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân

Cơ quan Điều tra của Công an nhân dân bao gồm:

- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an; Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan An ninh điều tra Công an cấp tỉnh).

- Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh); Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp huyện).

2.2. Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân

Cơ quan Điều tra trong Quân đội nhân dân bao gồm:

- Cơ quan An ninh điều tra Bộ Quốc phòng; Cơ quan An ninh điều tra quân khu và tương đương.

- Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng; Cơ quan điều tra hình sự quân khu và tương đương; Cơ quan điều tra hình sự khu vực.

2.3. Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao

Cơ quan Điều tra của Viện kiểm sát nhân dân tối cao bao gồm:

- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

- Cơ quan điều tra Viện kiểm sát quân sự trung ương.

(Điều 5, 6, 7 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Cơ quan Điều tra hình sự

Cơ quan Điều tra hình sự có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố.

- Tiếp nhận hồ sơ vụ án do cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động Điều tra chuyển giao.

- Tiến hành Điều tra các tội phạm, áp dụng mọi biện pháp do luật định để phát hiện, xác định tội phạm và người thực hiện hành vi phạm tội; lập hồ sơ, đề nghị truy tố.

- Tìm ra nguyên nhân, Điều kiện phạm tội và yêu cầu các cơ quan, tổ chức hữu quan áp dụng các biện pháp khắc phục và ngăn ngừa.

(Điều 8 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015)

4. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra hình sự

Theo Điều 14 Luật Tổ chức cơ quan điều tra hình sự 2015, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm trong hoạt động điều tra hình sự:

- Làm sai lệch hồ sơ vụ án; truy cứu trách nhiệm hình sự người không có hành vi phạm tội; không truy cứu trách nhiệm hình sự người có hành vi phạm tội đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự; ra quyết định trái pháp luật; ép buộc người khác làm trái pháp luật; làm lộ bí mật Điều tra vụ án; can thiệp trái pháp luật vào việc Điều tra vụ án hình sự.

- Bức cung, dùng nhục hình và các hình thức tra tấn hoặc đối xử, trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo, hạ nhục con người hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

- Cản trở người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can thực hiện quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa, trợ giúp pháp lý; quyền khiếu nại, tố cáo; quyền được bồi thường thiệt hại về vật chất, tinh thần và phục hồi danh dự.

- Cản trở người bào chữa, người thực hiện trợ giúp pháp lý thực hiện việc bào chữa, trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật.

- Chống đối, cản trở hoặc tổ chức, lôi kéo, xúi giục, kích động, cưỡng bức người khác chống đối, cản trở hoạt động Điều tra hình sự; xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của người thi hành công vụ trong Điều tra hình sự.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 14,713

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]