Tiêu chí lựa chọn cán bộ, công chức xác minh tài sản thu nhập theo kế hoạch
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 5 Điều 3 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, xác minh tài sản, thu nhập là việc kiểm tra, làm rõ nội dung kê khai và xem xét, đánh giá, kết luận của Cơ quan kiểm soát tài sản, thu nhập theo trình tự, thủ tục quy định tại Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 và Nghị định 130/2020/NĐ-CP về tính trung thực, đầy đủ, rõ ràng của bản kê khai và tính trung thực trong việc giải trình về nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm.
Việc lựa chọn cán bộ, công chức có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập được xác minh theo kế hoạch hằng năm phải căn cứ vào các tiêu chí được quy định tại Điều 16 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, cụ thể như sa::
- Người có nghĩa vụ kê khai là đối tượng thuộc diện phải kê khai tài sản, thu nhập hằng năm.
- Người có nghĩa vụ kê khai chưa được xác minh về tài sản, thu nhập trong thời gian 04 năm liền trước đó.
- Người có nghĩa vụ kê khai không thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Người đang bị điều tra, truy tố, xét xử;
+ Người đang điều trị bệnh hiểm nghèo được cơ quan y tế có thẩm quyền xác nhận;
+ Người đang học tập, công tác ở nước ngoài từ 12 tháng trở lên.
Cụ thể tại khoản 1 Điều 14 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, các căn cứ xây dựng kế hoạch xác minh tài sản thu nhập hằng năm bao gồm:
- Tình hình tham nhũng và công tác phòng, chống tham nhũng ở các ngành, lĩnh vực và địa phương;
- Các yêu cầu, chỉ đạo của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền trong công tác phòng, chống tham nhũng;
- Định hướng xây dựng kế hoạch xác minh do Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31 tháng 10 hằng năm;
- Khả năng, điều kiện thực hiện các mục tiêu xác minh quy định tại Điều 15 Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
Kế hoạch xác minh tài sản, thu nhập hằng năm phải có các nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Mục đích, yêu cầu của kế hoạch xác minh;
- Số lượng và tên cơ quan, đơn vị được xác minh;
- Tổng số người được xác minh, số lượng người được xác minh phân bổ theo cơ quan, tổ chức, đơn vị trực thuộc;
- Việc tổ chức thực hiện kế hoạch xác minh, người được phân công chỉ đạo việc thực hiện, đơn vị được phân công tiến hành xác minh, nguồn lực để thực hiện xác minh.
Theo Điều 10 Nghị định 130/2020/NĐ-CP, Người có nghĩa vụ kê khai theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều 36 Luật Phòng, chống tham nhũng 2018 bao gồm:
(1) Các ngạch công chức và chức danh sau đây:
- Chấp hành viên;
- Điều tra viên;
- Kế toán viên;
- Kiểm lâm viên;
- Kiểm sát viên;
- Kiểm soát viên ngân hàng;
- Kiểm soát viên thị trường;
- Kiểm toán viên;
- Kiểm tra viên của Đảng;
- Kiểm tra viên hải quan;
- Kiểm tra viên thuế;
- Thanh tra viên;
- Thẩm phán.
(2) Những người giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ Phó trưởng phòng và tương đương trở lên công tác trong một số lĩnh vực được xác định trong danh mục tại Phụ lục III được ban hành kèm theo Nghị định 130/2020/NĐ-CP.
(3) Người đại diện phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp.