Cản trở việc cung cấp thông tin trong công tác phòng chống rửa tiền bị xử lý thế nào? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 8 Luật phòng, chống rửa tiền 2022, các hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền bao gồm:
(1) Tổ chức, tham gia hoặc tạo điều kiện, trợ giúp thực hiện hành vi rửa tiền.
(2) Thiết lập, duy trì tài khoản vô danh hoặc tài khoản sử dụng tên giả.
(3) Thiết lập, duy trì quan hệ kinh doanh với ngân hàng vỏ bọc.
(4) Cung cấp trái phép dịch vụ nhận tiền mặt, séc, công cụ tiền tệ khác hoặc công cụ lưu trữ giá trị và thực hiện thanh toán cho người thụ hưởng.
(5) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong phòng, chống rửa tiền xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
(6) Cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền.
(7) Đe dọa, trả thù người phát hiện, cung cấp thông tin, báo cáo, tố cáo về hành vi rửa tiền.
Như vậy, hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền là hành vi bị nghiêm cấm trong phòng, chống rửa tiền theo quy định tại (6).
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 46 Nghị định 88/2019/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 143/2021/NĐ-CP), hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền sẽ bị phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng.
Lưu ý: Đây là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân (điểm b khoản 3 Điều 3 Nghị định 88/2019/NĐ-CP).
Nếu cá nhân có hành vi cản trở việc cung cấp thông tin phục vụ công tác phòng, chống rửa tiền theo điểm c khoản 1 Điều 324 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017) thì sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội rửa tiền với khung hình phạt như sau:
* Khung 1: Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm
* Khung 2: Phạt tù từ 05 năm đến 10 năm đối với các trường hợp sau đây:
(i) Có tổ chức;
(ii) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
(iii) Phạm tội 02 lần trở lên;
(iv) Có tính chất chuyên nghiệp;
(v) Dùng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt;
(vi) Tiền, tài sản phạm tội trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
(vii) Thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng;
(viii) Tái phạm nguy hiểm.
* Khung 3: Phạt tù từ 10 năm đến 15 năm đối với các trường hợp sau đây:
(i) Tiền, tài sản phạm tội trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
(ii) Thu lợi bất chính 100.000.000 đồng trở lên;
(iii) Gây ảnh hưởng xấu đến an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia.
Mặt khác, người chuẩn bị phạm tội này, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.
Ngoải ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có.
Cụ thể, tài sản do phạm tội mà có là tài sản có được trực tiếp hoặc gián tiếp từ hành vi phạm tội; phần thu nhập, hoa lợi, lợi tức, lợi nhuận sinh ra từ tài sản có được từ hành vi phạm tội.
(Khoản 1, 2 Điều 3 Luật phòng, chống rửa tiền 2022).
Nguyễn Thị Hoài Thương