Có được bán xe tang vật vi phạm hành chính?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
24/03/2023 15:56 PM

Khi cơ quan chức năng tạm giữ xe tang vật, nếu người vi phạm không đến nhận lại thì sẽ xử lý xe tang vật như thế nào? Cơ quan chức năng có được bán xe tang vật đó không? – Bảo Phúc (Bình Dương)

Có được bán xe tang vật vi phạm hành chính? (Hình từ Internet)

Tại Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (được sửa đổi bổ sung tại Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) và Nghị định 138/2021/NĐ-CP quy định chi tiết về việc quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ, tịch thu theo thủ tục hành chính. Theo đó có các quy định sau:

1. Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm

Căn cứ vào khoản 8 Điều 125 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (sửa đổi bởi Điểm b Khoản 64 Điều 1 Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) quy định như sau:

- Thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính, giấy phép, chứng chỉ hành nghề không quá 07 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

Trường hợp vụ việc phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn tạm giữ không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày tạm giữ.

- Thời hạn này có thể kéo dài trong một số trường hợp theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý tang vật, phương tiện vi phạm khi hết hạn tạm giữ

Cụ thể được quy định tại Điều 17 Nghị định 138/2021/NĐ-CP phương thức xử lý đối với xe tang vật bị tạm giữ như sau:

(1) Việc xử lý tang vật, phương tiện hết thời hạn tạm giữ được thực hiện theo quy định tại các khoản 4, 4a và khoản 4b Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012 (Luật Xử lý vi phạm hành chính sửa đổi 2020) như sau:

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ: (i) Để xác minh tình tiết mà nếu không tạm giữ thì không có căn cứ ra quyết định xử phạt, (ii) Để ngăn chặn ngay hành vi vi phạm hành chính mà nếu không tạm giữ thì sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho xã hội; khi hết thời hạn tạm giữ mà người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp không đến nhận mà không có lý do chính đáng thì được xử lý như sau:

+ Trường hợp xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo cho họ 02 lần.

Thông báo lần 1 phải được thực hiện trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.

Thông báo lần 2 được thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 01 tháng, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu không đến nhận thì trong 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

+ Trường hợp không xác định được người vi phạm, chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp của tang vật, phương tiện thì người ra quyết định tạm giữ phải thông báo 02 lần trên phương tiện thông tin đại chúng của trung ương hoặc địa phương nơi tạm giữ tang vật, phương tiện.

Thông báo lần 1 phải được thực hiện trong 03 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn tạm giữ tang vật, phương tiện.

Thông báo lần 2 được thực hiện trong 07 ngày làm việc, kể từ ngày thông báo thứ nhất.

Hết thời hạn 01 năm, kể từ ngày thông báo lần thứ hai nếu không đến nhận thì trong 05 ngày làm việc, người có thẩm quyền phải ra quyết định tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.

- Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tạm giữ để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt, khi hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính không thi hành quyết định xử phạt thì:

Trong 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết thời hạn thi hành quyết định xử phạt, người có thẩm quyền tạm giữ phải chuyển tang vật, phương tiện vi phạm hành chính cho người có thẩm quyền cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt để quyết định việc kê biên, bán đấu giá theo quy định của pháp luật để bảo đảm thi hành quyết định xử phạt.

(2) Người ra quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện có trách nhiệm tiếp tục quản lý, bảo quản tang vật, phương tiện khi đã quá thời hạn tạm giữ mà không đến nhận hoặc không xác định được và trong thời gian thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng cho đến khi tang vật, phương tiện đó bị tịch thu, xử lý theo quy định.

(3) Sau khi tang vật, phương tiện vi phạm hành chính đã có quyết định tịch thu của cơ quan, người có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính thì được xử lý theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

3. Có được bán xe tang vật vi phạm hành chính?

Tại Điều 106 Luật Quản lý sử dụng tài sản công 2017 quy định:

Tài sản bị tịch thu là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính được xác lập sở hữu toàn dân.

Theo đó, tại điểm c khoản 2 Điều 18 Nghị định 29/2018/NĐ-CP, hình thức xử lý phù hợp với một số loại tài sản được quy định như sau:

- Giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng.

Việc giao hoặc điều chuyển tài sản cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng phải căn cứ vào tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản do cơ quan, người có thẩm quyền ban hành theo quy định của pháp luật và chỉ áp dụng đối với: Nhà, đất; xe ô tô; xe mô tô, xe gắn máy, máy móc, thiết bị và các tài sản khác có tỷ lệ chất lượng còn lại từ 50% trở lên;

- Bán (đấu giá, bán chỉ định, niêm yết giá) theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và pháp luật có liên quan.

Có thể thấy, đối với xe là tang vật, phương tiện vi phạm có thể áp dụng hình thức bán tài sản hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác quản lý sử dụng.

Vậy việc người vi phạm nếu hết hạn tạm giữ mà không đến nhận tang vật, phương tiện thì cơ quan chức năng hoàn toàn được xử lý tài sản này theo quy định của pháp luật.

Lê Vũ Trang Nhi

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,916

Bài viết về

lĩnh vực Vi phạm hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]