Khi nào chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
- Hòa giải tại Tòa án là hoạt động hòa giải do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự, nhằm hỗ trợ các bên tham gia hòa giải thỏa thuận giải quyết vụ việc dân sự theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
- Đối thoại tại Tòa án là hoạt động đối thoại do Hòa giải viên tiến hành trước khi Tòa án thụ lý vụ án hành chính, nhằm hỗ trợ các bên tham gia đối thoại thống nhất giải quyết khiếu kiện hành chính theo quy định Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
(Khoản 2, 3 Điều 2 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020)
Theo Điều 40 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020, việc hòa giải, đối thoại chấm dứt khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
(i) Hòa giải thành, đối thoại thành;
(ii) Các bên không đạt được thỏa thuận, thống nhất về toàn bộ nội dung vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính hoặc chỉ thỏa thuận, thống nhất được một phần vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính nhưng phần đó có liên quan đến những phần khác của vụ việc dân sự, khiếu kiện hành chính;
(iii) Một bên hoặc các bên không đồng ý tiếp tục hòa giải, đối thoại hoặc vắng mặt sau 02 lần được thông báo hợp lệ về việc hòa giải, đối thoại;
(iv) Trong quá trình hòa giải, đối thoại phát hiện vụ việc thuộc trường hợp quy định tại Điều 19 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020;
(v) Một trong các bên yêu cầu áp dụng biện pháp Khẩn cấp tạm thời theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong quá trình hòa giải, đối thoại;
(vi) Người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện; đơn yêu cầu.
Cụ thể tại Điều 41 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020 quy định về việc xử lý việc chấm dứt hòa giải, đối thoại tại Tòa án như sau:
- Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, thụ lý vụ việc theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính trong trường hợp quy định tại (ii), (iii), (iv), (v) ở mục 2, trừ tài liệu phải bảo mật quy định tại khoản 3 Điều 4 Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án 2020.
Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được sử dụng tài liệu, lời trình bày của các bên trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ trong quá trình giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật, trừ các trường hợp sau đây: - Bên đã xuất trình tài liệu, trình bày ý kiến trong quá trình hòa giải, đối thoại đồng ý việc sử dụng tài liệu, lời trình bày của mình trong quá trình hòa giải, đối thoại làm chứng cứ; - Phải sử dụng làm chứng cứ theo quy định của luật. |
- Trường hợp người nộp đơn khởi kiện, đơn yêu cầu rút đơn khởi kiện, đơn yêu cầu theo quy định tại (vi) ở mục 2 thì Hòa giải viên chuyển đơn và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn để tiến hành xem xét, giải quyết theo quy định chung và thông báo cho các bên biết.
Thẩm phán đã tham gia phiên họp ghi nhận kết quả hòa giải, đối thoại không được tham gia giải quyết vụ việc đó theo trình tự tố tụng dân sự, tố tụng hành chính.
- Hòa giải viên lập biên bản chấm dứt việc hòa giải, đối thoại đối với trường hợp quy định tại (ii), (iii), (iv), (v) ở mục 2.
Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày lập biên bản, Hòa giải viên phải gửi biên bản kèm theo đơn khởi kiện, đơn yêu cầu và tài liệu kèm theo cho Tòa án đã nhận đơn và thông báo cho các bên biết.