Tai nạn khi trên đường đi làm về có được coi là tai nạn lao động?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
06/07/2023 15:15 PM

Xin hỏi tai nạn khi trên đường đi làm về có được coi là tai nạn lao động? Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường khi NLĐ bị tai nạn lao động trường hợp trên thế nào? - Thanh Mỹ (Bắc Giang)

Tai nạn khi trên đường đi làm về có được coi là tai nạn lao động? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tai nạn khi trên đường đi làm về có được coi là tai nạn lao động?

Theo khoản 1 Điều 45 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 quy định các trường hợp được hưởng chế độ tai nạn lao động bao gồm:

- Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

- Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

- Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

Trường hợp NLĐ thời gian và địa điểm tai nạn không đúng theo quy định nêu trên thì không được coi là tai nạn lao động và không được hưởng các chế độ theo quy định.

2. Trách nhiệm của người sử dụng lao động về bồi thường và trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi NLĐ bị tai nạn lao động

Người sử dụng lao động có trách nhiệm bồi thường và trợ cấp trong những trường hợp đặc thù khi NLĐ bị tai nạn lao động như sau:

- Trường hợp NLĐ bị tai nạn lao động khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho NLĐ theo quy định tại khoản 4 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

- Trường hợp NLĐ bị tai nạn khi đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở theo tuyến đường và thời gian hợp lý, nếu do lỗi của người khác gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn thì người sử dụng lao động trợ cấp cho NLĐ theo quy định tại khoản 5 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

- Trường hợp người sử dụng lao động đã mua bảo hiểm tai nạn cho người bị tai nạn lao động tại các đơn vị hoạt động kinh doanh dịch vụ bảo hiểm, thì người bị tai nạn lao động được hưởng các khoản chi trả bồi thường, trợ cấp theo hợp đồng đã ký với đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm. 

Nếu số tiền mà đơn vị kinh doanh dịch vụ bảo hiểm trả cho người bị tai nạn lao động thấp hơn mức quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, thì người sử dụng lao động phải trả phần còn thiếu để tổng số tiền người bị tai nạn lao động hoặc thân nhân của người bị tai nạn lao động nhận được ít nhất bằng mức bồi thường, trợ cấp được quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015.

- Nếu người sử dụng lao động không đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho NLĐ thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội, thì ngoài việc phải bồi thường, trợ cấp theo quy định tại Điều 38 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015, người sử dụng lao động phải trả khoản tiền tương ứng với chế độ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Mục 3 Chương III Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 khi NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 

Việc chi trả có thể thực hiện một lần hoặc hằng tháng theo thỏa thuận của các bên, trường hợp không thống nhất thì thực hiện theo yêu cầu của NLĐ.

Theo đó, khi NLĐ bị tai nạn giao thông trong quá trình đi từ nơi ở đến nơi làm việc khi đủ điều kiện về thời gian và địa điểm tại nạn theo quy định thì NLĐ sẽ được hưởng trợ cấp một khoản tiền ít nhất bằng 40% mức quy định tại khoản 4 Điều 28 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015 với mức suy giảm khả năng lao động tương ứng.

(Điều 39 Luật An toàn vệ sinh lao động 2015)

Nguyễn Ngọc Quế Anh

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,892

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]