Quy đinh về thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
15/07/2023 19:30 PM

Xin hỏi theo pháp luật hiện hành thì quy định về thức ăn chăn nuôi chưa kháng sinh như thế nào? - Tâm An (Hà Tĩnh)|

Quy đinh về thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh

Quy đinh về thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh (Hình từ internet)

Về vấn đề này THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Phân loại thức ăn chăn nuôi

Theo Khoản 1, Khoản 25, Khoản 26, Khoản 27, Khoản 28, Khoản 29 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì:

- Chăn nuôi là ngành kinh tế - kỹ thuật bao gồm các hoạt động trong lĩnh vực giống vật nuôi, thức ăn chăn nuôi, điều kiện chăn nuôi, chế biến và thị trường sản phẩm chăn nuôi.

- Thức ăn chăn nuôi là sản phẩm, mà vật nuôi ăn, uống ở dạng tươi, sống hoặc đã qua chế biến bao gồm thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh, thức ăn đậm đặc, thức ăn bổ sung và thức ăn truyền thống.

Cụ thể, bao gồm:

- Thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn được phối chế, có đủ chất dinh dưỡng để duy trì hoạt động sống và khả năng sản xuất của vật nuôi theo từng giai đoạn sinh trưởng hoặc chu kỳ sản xuất mà không cần thêm thức ăn khác ngoài nước uống.

- Thức ăn đậm đặc là hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn có hàm lượng chất dinh dưỡng cao hơn nhu cầu của vật nuôi và dùng để phối chế với nguyên liệu khác tạo thành thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.

- Thức ăn bổ sung là nguyên liệu đơn hoặc hỗn hợp của các nguyên liệu thức ăn cho thêm vào khẩu phần ăn để cân đối các chất dinh dưỡng cần thiết cho vật nuôi; duy trì hoặc cải thiện đặc tính của thức ăn chăn nuôi; cải thiện sức khỏe vật nuôi, đặc tính của sản phẩm chăn nuôi.

- Thức ăn truyền thống là sản phẩm nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến được sử dụng phổ biến theo tập quán trong chăn nuôi bao gồm thóc, gạo, cám, ngô, khoai, sắn, bã rượu, bã bia, bã sắn, bã dứa, rỉ mật đường, rơm, cỏ, tôm, cua, cá và loại sản phẩm tương tự khác.

Ngoài ra, tại Khoản 31 Khoản 2 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018 thì thức ăn chăn nuôi thương mại là thức ăn chăn nuôi được sản xuất nhằm mục đích trao đổi, mua bán trên thị trường.

Quy đinh về thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh

Căn cứ Điều 45 Luật Chăn nuôi 2018 quy định về thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh như sau:

- Kháng sinh sử dụng trong thức ăn chăn nuôi phải là thuốc thú y được phép lưu hành tại Việt Nam.

- Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn chăn nuôi theo đơn của người có chứng chỉ hành nghề phòng, trị bệnh cho động vật theo quy định của pháp luật về thú y để phòng bệnh cho vật nuôi ở giai đoạn con non, trị bệnh cho vật nuôi nhiễm bệnh.

- Việc sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải tuân thủ hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc cung cấp thức ăn chăn nuôi.

- Thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh phải thể hiện thông tin về tên và hàm lượng kháng sinh, hướng dẫn sử dụng, thời gian ngừng sử dụng trên nhãn sản phẩm hoặc tài liệu kèm theo sản phẩm.

Bên cạnh đó, Điều 12 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định tiêu chí đối với các loại vật nuôi ở giai đoạn con non được phép sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh và lộ trình bỏ việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi như sau:

- Tiêu chí đối với một số loại vật nuôi ở giai đoạn con non được sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh để phòng bệnh được quy định như sau:

+ Lợn con có khối lượng đến 25 kg hoặc từ sơ sinh đến 60 ngày tuổi;

+ Gà, vịt, ngan, chim cút từ 01 đến 21 ngày tuổi;

+ Thỏ từ sơ sinh đến 30 ngày tuổi;

+ Bê, nghé từ sơ sinh đến 06 tháng tuổi.

- Chỉ được sử dụng kháng sinh trong sản xuất thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh cho gia súc, gia cầm và thức ăn tinh cho gia súc ăn cỏ.

- Việc sử dụng kháng sinh trong phòng bệnh đối với vật nuôi được quy định như sau:

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh đặc biệt quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2020;

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh rất quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2021;

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh thuộc nhóm kháng sinh quan trọng trong điều trị nhân y theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2022;

+ Thuốc thú y có chứa kháng sinh không thuộc quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c Khoản 3 Điều 12 Nghị định 13/2020/NĐ-CP đã được cấp phép lưu hành với mục đích phòng bệnh đối với vật nuôi được phép lưu hành và sử dụng đến hết ngày 31 tháng 12 năm 2025.

+ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công bố danh mục kháng sinh quy định tại Điểm a, Điểm b và Điểm c khoản 3 Điều 12 Nghị định 13/2020/NĐ-CP.

Ngoài ra, theo Điểm đ Khoản 2 Điều 50 Luật Chăn nuôi 2018 quy định thì tổ chức, cá nhân sử dụng thức ăn chăn nuôi có nghĩa vụ ghi nhật ký sử dụng thức ăn chăn nuôi chứa kháng sinh theo quy định.

Nguyễn Phạm Nhựt Tân

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 4,399

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]