Tổng hợp nghĩa vụ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Nhà nước là chủ sở hữu của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Chính phủ thống nhất tổ chức thực hiện quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam. Bộ Giao thông vận tải được phân công thực hiện các quyền và nghĩa vụ của cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo quy định của pháp luật.
(Điều 5 của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 11/2018/NĐ-CP)
Nghĩa vụ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được quy định Điều 15 đến Điều 18 của Điều lệ tổ chức và hoạt động của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam ban hành kèm theo Nghị định 11/2018/NĐ-CP, bao gồm:
(1) Nghĩa vụ về vốn và tài sản
- Bảo toàn và phát triển vốn Nhà nước đầu tư tại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam và vốn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam tự huy động.
- Chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong phạm vi số vốn điều lệ của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
- Định kỳ đánh giá lại tài sản của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(2) Nghĩa vụ trong kinh doanh
- Kinh doanh đúng ngành, nghề đã đăng ký, đảm bảo chất lượng sản phẩm và dịch vụ do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện theo tiêu chuẩn đã đăng ký,
- Đổi mới, hiện đại hóa công nghệ và phương thức quản lý để nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh.
- Bảo đảm quyền và lợi ích của người lao động và quyền tham gia quản lý Tổng công ty Đường sắt Việt Nam của người lao động theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện chế độ kế toán, kiểm toán và báo cáo tài chính, báo cáo thống kê theo quy định của pháp luật và theo yêu cầu của chủ sở hữu.
- Tuân thủ các quy định của Nhà nước về quốc phòng, an ninh, văn hóa, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.
- Chịu trách nhiệm trước chủ sở hữu về việc sử dụng vốn đầu tư để thành lập hoặc đầu tư vào doanh nghiệp khác.
- Chịu sự giám sát của Bộ Giao thông vận tải trong thực hiện các quy định về thang, bảng lương; đơn giá tiền lương, chế độ trả lương đối với người lao động, Chủ tịch, thành viên Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc, các Phó Tổng giám đốc, Kế toán trưởng và các cán bộ quản lý khác.
- Chịu sự giám sát, kiểm tra của chủ sở hữu; chấp hành các quyết định về thanh tra của cơ quan tài chính và cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.
- Thực hiện việc quản lý rủi ro và bảo hiểm cho tài sản, trách nhiệm, con người của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong sản xuất, kinh doanh theo quy định của pháp luật.
- Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam phải thực hiện dự án đầu tư, mua, bán tài sản, hợp đồng vay, cho vay của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam theo đúng chủ trương được phê duyệt và quy định của pháp luật.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác trong kinh doanh theo quy định của pháp luật.
(3) Nghĩa vụ về tài chính
- Tự chủ về tài chính, tự cân đối các khoản thu, chi; kinh doanh có hiệu quả, bảo đảm chỉ tiêu tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu do chủ sở hữu nhà nước giao; đăng ký, kê khai và nộp đủ thuế; thực hiện nghĩa vụ đối với chủ sở hữu và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật.
- Quản lý, sử dụng có hiệu quả: vốn kinh doanh, bao gồm cả phần vốn đầu tư vào các công ty con và các doanh nghiệp khác; tài nguyên, đất đai và các nguồn lực khác do Nhà nước giao, cho thuê.
- Sử dụng vốn và các nguồn lực khác để thực hiện các nhiệm vụ đặc biệt khi Nhà nước yêu cầu.
- Chấp hành đầy đủ chế độ quản lý vốn, tài sản, các quỹ, chế độ hạch toán kế toán, kiểm toán theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm về tính trung thực và hợp pháp đối với các hoạt động tài chính của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
- Thực hiện chế độ báo cáo tài chính, công khai tài chính hàng năm và cung cấp các thông tin cần thiết để đánh giá trung thực về hiệu quả của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam.
- Thực hiện các nghĩa vụ khác về tài chính theo quy định của pháp luật.
(4) Nghĩa vụ khi tham gia hoạt động công ích
- Cung ứng dịch vụ công ích do Nhà nước giao nhiệm vụ hoặc đặt hàng theo đúng đối tượng, giá và phí mà Nhà nước quy định.
- Nhận nhiệm vụ công ích do Nhà nước giao hoặc đặt hàng và giao lại một phần hoặc toàn bộ nhiệm vụ công ích cho công ty con thực hiện theo quy định của Nhà nước.
- Thực hiện việc ký kết hợp đồng và hạch toán kinh doanh theo quy định của pháp luật; chịu trách nhiệm trước Nhà nước về kết quả hoạt động công ích của Tổng công ty Đường sắt Việt Nam; chịu trách nhiệm trước khách hàng, trước pháp luật về sản phẩm, dịch vụ công ích do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trực tiếp thực hiện và cung ứng.
- Cung cấp đủ số lượng sản phẩm, dịch vụ công ích, đảm bảo đúng chất lượng, đúng đối tượng và đúng thời gian.
- Tổ chức thực hiện quản lý kỹ thuật kết cấu hạ tầng đường sắt để đảm bảo an toàn chạy tàu và an toàn giao thông đường sắt. Tổ chức cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn giao thông vận tải đường sắt theo quy định.
- Thực hiện các nghĩa vụ công ích khác theo quy định của pháp luật.