Báo Công an nhân dân thuộc Bộ nào? Tổng biên tập hiện nay là ai? (Hình từ website Báo Công an nhân dân)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Báo Công an nhân dân là cơ quan báo chí thuộc Bộ Công an, có Giấy phép hoạt động báo chí số 08/GP-BTTTT cấp ngày 05/01/2021 của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Trụ sở tòa soạn tại số 2A Đinh Lễ, Hoàn Kiếm, Hà Nội
Địa chỉ của cơ quan đại diện và văn phòng thường trú của Báo Công an nhân dân như sau:
- Cơ quan đại diện tại TP Hồ Chí Minh: Số 6, Phạm Ngọc Thạch, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP. HCM
- Văn phòng Thường trú tại Đà Nẵng: Số 56 Lý Tự Trọng, Quận Hải Châu, Thành phố Đà Nẵng
- Văn phòng Thường trú tại Đồng bằng sống Cửu Long: Số 111 Trần Văn Hoài, Quận Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
- Văn phòng Thường trú Hải Phòng: Số 16 Lê Đại Hành, Quận Hồng Bàng, TP Hải Phòng.
- Văn phòng Thường trú tại Tây Nguyên: Số 61 Lê Thánh Tông, TP Buôn Mê Thuột, Đắk Lắk.
Theo Luật Báo chí 2016, Tổng biên tập là người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc loại hình báo in và báo điện tử.
- Báo in là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, tranh, ảnh, thực hiện bằng phương tiện in để phát hành đến bạn đọc, gồm báo in, tạp chí in.
- Báo điện tử là loại hình báo chí sử dụng chữ viết, hình ảnh, âm thanh, được truyền dẫn trên môi trường mạng, gồm báo điện tử và tạp chí điện tử.
(Khoản 3, 6 Điều 3 và khoản 1 Điều 23 Luật Báo chí 2016)
Hiện nay, Tổng biên tập Báo Công an nhân dân là Thiếu tướng Phạm Khải cùng với 03 Phó Tổng biên tập là Đại tá Trần Duy Hiển, Thượng tá Trần Hồng Thanh và Thượng tá Phan Đăng Trường.
Văn bản quy phạm pháp luật quy định về tiêu chuẩn bổ nhiệm Tổng biên tập Báo Công an nhân dân không được công khai. Do đó, tiêu chuẩn bổ nhiệm Tổng biên tập Báo Công an nhân dân có thể dựa trên những quy định chung của Luật Báo chí 2016, cụ thể như sau: - Là công dân Việt Nam, có địa chỉ thường trú tại Việt Nam; - Có bằng tốt nghiệp đại học trở lên. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo không áp dụng tiêu chuẩn này; - Có thẻ nhà báo còn hiệu lực. Người đứng đầu cơ quan báo chí thuộc các tổ chức tôn giáo, tạp chí khoa học không áp dụng tiêu chuẩn này; - Có phẩm chất đạo đức tốt; không trong thời gian thi hành hình thức kỷ luật từ khiển trách trở lên theo quy định của pháp luật về công chức, viên chức và pháp luật về lao động. (Khoản 2 Điều 23 Luật Báo chí 2016) |
Báo chí ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là phương tiện thông tin thiết yếu đối với đời sống xã hội; là cơ quan ngôn luận của cơ quan Đảng, cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; là diễn đàn của Nhân dân.
Trong đó, báo chí có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
- Thông tin trung thực về tình hình đất nước và thế giới phù hợp với lợi ích của đất nước và của Nhân dân;
- Tuyên truyền, phổ biến, góp phần xây dựng và bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, thành tựu của đất nước và thế giới theo tôn chỉ, Mục đích của cơ quan báo chí; góp phần ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, đáp ứng nhu cầu văn hóa lành mạnh của Nhân dân, bảo vệ và phát huy truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa;
- Phản ánh và hướng dẫn dư luận xã hội; làm diễn đàn thực hiện quyền tự do ngôn luận của Nhân dân;
- Phát hiện, nêu gương người tốt, việc tốt, nhân tố mới, điển hình tiên tiến; đấu tranh phòng, chống các hành vi vi phạm pháp luật và các hiện tượng tiêu cực trong xã hội;
- Góp phần giữ gìn sự trong sáng và phát triển tiếng Việt, tiếng của các dân tộc thiểu số Việt Nam;
- Mở rộng sự hiểu biết lẫn nhau giữa các nước và các dân tộc, tham gia vào sự nghiệp của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, hữu nghị, hợp tác, phát triển bền vững.
(Điều 4 Luật Báo chí 2016)