Tiêu chuẩn của CSGT làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Hồ Quốc Tuấn
22/11/2023 11:45 AM

Xin cho tôi hỏi tiêu chuẩn của CSGT làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông được quy định thế nào? - Khánh Vy (Hà Nam)

Tiêu chuẩn của CSGT làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông

Tiêu chuẩn của CSGT làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Tiêu chuẩn của CSGT làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông

Cụ thể tại Điều 4 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định tiêu chuẩn của cán bộ Cảnh sát giao thông làm nhiệm vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông như sau:

- Có trình độ đại học An ninh, đại học Cảnh sát hoặc cử nhân luật trở lên. Trường hợp tốt nghiệp đại học các trường ngoài ngành Công an đã học nghiệp vụ An ninh, Cảnh sát theo quy định.

- Có thời gian công tác trong lực lượng Cảnh sát giao thông từ 06 tháng trở lên.

- Đã được tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông.

2. Nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông

Căn cứ theo Điều 3 Thông tư 63/2020/TT-BCA quy định nguyên tắc điều tra, giải quyết tai nạn giao thông bao gồm:

- Tất cả các vụ tai nạn giao thông xảy ra phải được điều tra, giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác, khách quan, toàn diện; các cơ quan, đơn vị tiếp nhận, xử lý tin báo về tai nạn giao thông phải khẩn trương cử cán bộ đến hiện trường để giải quyết theo quy định Thông tư 63/2020/TT-BCA và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Lực lượng Cảnh sát giao thông phải phối hợp chặt chẽ với các lực lượng khác trong Công an nhân dân khi điều tra, giải quyết vụ tai nạn giao thông bảo đảm tập trung, thống nhất theo chỉ đạo của Thủ trưởng Công an các cấp. Cơ quan, đơn vị, cá nhân cấp dưới chịu sự hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của cấp trên; cá nhân chịu trách nhiệm trước Thủ trưởng đơn vị và trước pháp luật về hành vi, quyết định của mình.

- Không được lợi dụng, lạm dụng công tác điều tra, giải quyết tai nạn giao thông để xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.

3. Nội dung điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông

Khi tiến hành điều tra, xác minh vụ tai nạn giao thông cán bộ Cảnh sát giao thông có trách nhiệm xác minh:

- Có hay không có hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ; diễn biến, nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông;

- Cá nhân, tổ chức thực hiện hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ, lỗi, nhân thân của cá nhân vi phạm;

- Tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ;

- Tính chất, mức độ thiệt hại do hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ gây ra;

- Tình tiết khác có ý nghĩa đối với việc xem xét, quyết định xử phạt, giải quyết vụ tai nạn;

- Bất cập, sơ hở, thiếu sót trong tổ chức giao thông, chất lượng hạ tầng giao thông; quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện giao thông;

- Trong quá trình xem xét, ra quyết định xử phạt, người có thẩm quyền xử phạt có thể trưng cầu giám định. Việc trưng cầu giám định được thực hiện theo quy định của pháp luật về giám định.

Cán bộ Cảnh sát giao thông được phân công đến hiện trường tiến hành các biện pháp điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông phải lập Biên bản vụ việc hành chính theo mẫu số 02/TNĐB ban hành theo Thông tư 63/2020/TT-BCA.

Trong thời hạn 24 giờ, kể từ khi lập biên bản vụ việc hành chính, cán bộ Cảnh sát giao thông lập biên bản phải báo cáo lãnh đạo có thẩm quyền để ra Quyết định phân công cán bộ điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn theo mẫu 03/TNĐB ban hành theo Thông tư 63/2020/TT-BCA và lập Kế hoạch điều tra, xác minh giải quyết vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 04/TNĐB ban hành theo Thông tư 63/2020/TT-BCA được lãnh đạo có thẩm quyền phê duyệt; việc lập Biên bản vi phạm hành chính theo mẫu số 43/BB-VPHC ban hành theo Thông tư 07/2019/TT-BCA được tiến hành ngay khi xác định được tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm.

- Biện pháp điều tra, xác minh tình tiết của vụ tai nạn giao thông được thực hiện theo các Điều 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16 và 17 Thông tư 63/2020/TT-BCA.

(Điều 8 Thông tư 63/2020/TT-BCA)

4. Thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông

Vụ tai nạn giao thông không có dấu hiệu tội phạm thì thời hạn điều tra, xác minh, giải quyết như sau:

- Nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông thì Cảnh sát giao thông phải tiến hành điều tra, xác minh, giải quyết trong thời hạn 07 ngày; trường hợp vụ tai nạn giao thông có nhiều tình tiết phức tạp cần xác minh thêm thì có thể được kéo dài nhưng không quá 30 ngày kể từ ngày nhận được tin báo về vụ tai nạn giao thông.

Trường hợp phải thông qua giám định chuyên môn hoặc cần phải có thêm thời gian để xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ thì người có thẩm quyền phải báo cáo thủ trưởng trực tiếp của mình bằng văn bản để xin gia hạn; việc gia hạn phải bằng văn bản, thời hạn gia hạn không được quá 30 ngày.

- Kết thúc thời hạn điều tra, xác minh thì lực lượng Cảnh sát giao thông phải ra Thông báo kết quả điều tra, xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông theo mẫu số 14/TNĐB ban hành theo Thông tư 63/2020/TT-BCA và tiến hành xử lý theo quy định pháp luật hành chính.

(Điều 18 Thông tư 63/2020/TT-BCA)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,413

Bài viết về

lĩnh vực Bộ máy hành chính

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]