Doanh nghiệp có được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động không?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
30/11/2023 09:45 AM

Cho tôi hỏi phía doanh nghiệp có được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động không? - Ngọc Thắm (TPHCM)

Doanh nghiệp có được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động không?

Doanh nghiệp có được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động không? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Doanh nghiệp có được giữ giấy tờ tùy thân của người lao động không?

Theo Điều 17 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi mà người sử dụng lao động không được làm khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động gồm:

- Giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng, chứng chỉ của người lao động.

- Yêu cầu người lao động phải thực hiện biện pháp bảo đảm bằng tiền hoặc tài sản khác cho việc thực hiện hợp đồng lao động.

- Buộc người lao động thực hiện hợp đồng lao động để trả nợ cho người sử dụng lao động.

Theo Điều 165 Bộ luật Lao động 2019 quy định các hành vi bị nghiêm cấm đối với người sử dụng lao động bao gồm:

- Ngược đãi, quấy rối tình dục, cưỡng bức lao động, dùng vũ lực đối với lao động là người giúp việc gia đình.

- Giao việc cho người giúp việc gia đình không theo hợp đồng lao động.

- Giữ giấy tờ tùy thân của người lao động.

Như vậy, pháp luật nghiêm cấm người sử dụng lao động giữ bản chính giấy tờ tùy thân của người lao động khi giao kết, thực hiện hợp đồng lao động và giữ giấy tờ tùy thân đối với người lao động là người giúp việc gia đình.

2. Doanh nghiệp giữ giấy tờ tùy thân của người lao động bị xử phạt thế nào?

Người sử dụng lao động có hành vi giữ giấy tờ tùy thân của người lao động thì có thể bị xử phạt với các mức phạt như sau:

- Theo điểm a khoản 2 và điểm d khoản 3 Điều 9 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt từ 20.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với hành vi giữ bản chính giấy tờ tùy thân, văn bằng hoặc chứng chỉ của người lao động khi giao kết hoặc thực hiện hợp đồng lao động.

Đồng thời sẽ bị buộc người sử dụng lao động trả lại bản chính giấy tờ tùy thân; văn bằng; chứng chỉ đã giữ của người lao động.

- Theo điểm a khoản 3 và điểm c khoản 5 Điều 30 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì người sử dụng lao động sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi giữ giấy tờ tùy thân của lao động là người giúp việc gia đình.

Đồng thời bị buộc người sử dụng lao động trả lại giấy tờ tùy thân cho lao động là người giúp việc gia đình.

* Lưu ý: Mức phạt trên áp dụng với cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt bằng gấp đôi mức phạt cá nhân (Theo khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)

3. Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động

Quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động theo Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 như sau:

- Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:

+ Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;

+ Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;

+ Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;

+ Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;

+ Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

- Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:

+ Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;

+ Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;

+ Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;

+ Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

+ Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 2,348

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]