Mục tiêu phát triển du lịch các tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 1 Quyết định 2350/QĐ-TTg 2014 thì vùng Duyên hải Nam Trung Bộ (sau đây gọi tắt là Vùng) bao gồm thành phố Đà Nẵng và 07 tỉnh: Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận, có diện tích tự nhiên: 44.376,9 km2, vị trí địa lý như sau:
- Phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên - Huế;
- Phía Đông giáp biển Đông;
- Phía Tây giáp Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và các tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Lâm Đồng;
- Phía Nam giáp các tỉnh Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu.
Tại Quyết định 2350/QĐ-TTg 2014 thì mục tiêu phát triển du lịch các tỉnh thuộc duyên hải Nam Trung Bộ như sau:
- Mục tiêu tổng quát
Khai thác tiềm năng, lợi thế của Vùng để phát triển du lịch biển - đảo trở thành thế mạnh hàng đầu của du lịch Việt Nam. Phát triển các đô thị du lịch hiện đại, các khu du lịch, điểm du lịch quốc gia với các cơ sở dịch vụ cao cấp.
Đến năm 2020 đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng và phấn đấu đến năm 2030 trở thành ngành kinh tế mũi nhọn trong cơ cấu kinh tế của Vùng, góp phần khẳng định chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển và hải đảo Việt Nam.
- Mục tiêu cụ thể
+ Về các chỉ tiêu phát triển ngành
* Khách du lịch: Đến năm 2020 thu hút khoảng 15 triệu lượt khách, trong đó khoảng 4,5 triệu lượt khách quốc tế; phấn đấu đến năm 2030 thu hút khoảng 25 triệu lượt khách, trong đó khoảng 7,5 triệu lượt khách quốc tế.
* Tổng thu từ khách du lịch: Đến năm 2020 đạt khoảng 70.000 tỷ đồng; phấn đấu đến năm 2030 đạt khoảng 160.000 tỷ đồng.
+ Cơ sở lưu trú du lịch: Đến năm 2020 có trên 95.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao chiếm khoảng 15%; phấn đấu đến năm 2030 có khoảng 140.000 buồng khách sạn, trong đó tỷ lệ buồng đạt tiêu chuẩn từ 3 sao đến 5 sao chiếm khoảng 30%.
+ Chỉ tiêu việc làm: Đến năm 2020 tạo việc làm cho trên 400.000 lao động, trong đó hơn 130.000 lao động trực tiếp; phấn đấu đến năm 2030 tạo việc làm cho khoảng 700.000 lao động, trong đó khoảng 230.000 lao động trực tiếp.
Theo đó, phát triển du lịch Vùng phù hợp với Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam; với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng Kinh tế trọng điểm miền Trung và thống nhất với các quy hoạch ngành có liên quan trong khu vực quy hoạch.
- Phát triển đồng thời du lịch biển - đảo, du lịch văn hóa và du lịch sinh thái; trong đó lấy du lịch biển - đảo làm mũi nhọn; du lịch văn hóa là nền tảng, tập trung vào các giá trị văn hóa Chăm Pa, Sa Huỳnh, văn hóa của cư dân vùng biển duyên hải Miền Trung, văn hóa các dân tộc phía Đông dãy Trường Sơn, các di tích gắn với lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, để phát triển các loại hình du lịch đặc thù của Vùng.
- Tập trung phát triển du lịch Vùng có chiều sâu, theo hướng nâng cao chất lượng và tính chuyên nghiệp để bảo đảm sản phẩm du lịch có thương hiệu và tính cạnh tranh cao.
- Kết hợp chặt chẽ giữa phát triển du lịch với bảo đảm quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường; tăng cường liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương trong Vùng để phát huy tối đa tiềm năng, thế mạnh về du lịch chung toàn Vùng.
- Đẩy mạnh xã hội hóa phát triển du lịch, huy động các nguồn vốn hợp pháp trong và ngoài nước đầu tư phát triển du lịch.