Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung chủ yếu nào?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Lê Trương Quốc Đạt
20/12/2023 09:45 AM

Cho tôi hỏi bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư sẽ có các nội dung chủ yếu nào? - Hồng Nhung (Cần Thơ)

Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung chủ yếu nào?

Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung chủ yếu nào? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung chủ yếu nào?

Theo khoản 2 Điều 9 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD thì bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có các nội dung chủ yếu sau đây:

- Quy định áp dụng đối với chủ sở hữu, người sử dụng, người tạm trú và khách ra vào nhà chung cư;

- Các hành vi bị nghiêm cấm trong sử dụng nhà chung cư và việc xử lý các hành vi vi phạm nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư;

- Quy định về việc sử dụng phần sở hữu chung của nhà chung cư;

- Quy định về việc sửa chữa các hư hỏng, thay đổi thiết bị trong phần sở hữu riêng và việc xử lý khi có sự cố nhà chung cư;

- Quy định về phòng, chống cháy nổ trong nhà chung cư;

- Quy định về việc công khai các thông tin có liên quan đến việc sử dụng nhà chung cư;

- Quy định về các nghĩa vụ của chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư;

- Các quy định khác tùy thuộc vào đặc điểm của từng nhà chung cư.

2. Quy định về quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu

Quy định về quản lý phần sở hữu chung, sử dụng chung của nhà chung cư có nhiều chủ sở hữu theo Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD như sau:

- Phần diện tích và các hệ thống thiết bị thuộc sở hữu chung của các chủ sở hữu nhà chung cư được xác định theo quy định tại khoản 2 Điều 100 Luật Nhà ở 2014 và phải được ghi rõ trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ. 

Kèm theo hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ phải có danh mục phần sở hữu chung theo quy định của Luật Nhà ở 2014; phần sở hữu chung của nhà chung cư phải được sử dụng đúng mục đích, đúng công năng thiết kế được phê duyệt.

- Đối với công trình phục vụ cho sinh hoạt của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư mà thuộc diện phải bàn giao cho Nhà nước quản lý theo dự án được phê duyệt nhưng chưa bàn giao thì chủ đầu tư có trách nhiệm quản lý các công trình này; sau khi bàn giao cho Nhà nước thì đơn vị được Nhà nước giao quản lý chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì và sử dụng theo đúng mục đích, công năng thiết kế được phê duyệt.

- Đối với công trình phục vụ cho sinh hoạt của các chủ sở hữu, người sử dụng nhà chung cư mà chủ đầu tư xây dựng để kinh doanh theo nội dung dự án được phê duyệt thì chủ đầu tư có quyền sở hữu và chịu trách nhiệm quản lý, bảo trì công trình này.

- Đối với phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư có mục đích để ở thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm cùng quản lý; nếu nhà chung cư phải có đơn vị quản lý vận hành thì giao cho đơn vị quản lý vận hành quản lý phần sở hữu này; trường hợp không thuộc diện phải có đơn vị quản lý vận hành thì hội nghị nhà chung cư quyết định giao cho Ban quản trị nhà chung cư hoặc giao cho đơn vị khác quản lý phần sở hữu chung này.

- Đối với phần sở hữu chung của tòa nhà chung cư có mục đích sử dụng hỗn hợp thì thực hiện quản lý theo quy định sau đây:

+ Trường hợp không phân chia riêng biệt được phần sở hữu chung của khu văn phòng, dịch vụ, thương mại với khu căn hộ thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm cùng quản lý phần sở hữu chung này; việc quản lý vận hành phần sở hữu chung này được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD;

+ Trường hợp phân chia riêng biệt được phần sở hữu chung của khu văn phòng, dịch vụ, thương mại với khu căn hộ thì chủ sở hữu khu căn hộ có trách nhiệm quản lý phần sở hữu chung của khu căn hộ; việc quản lý vận hành phần sở hữu chung này được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD

Đối với phần sở hữu chung của khu văn phòng, dịch vụ, thương mại thì do đơn vị quản lý vận hành quản lý, nếu nhà chung cư không phải có đơn vị quản lý vận hành thì do chủ sở hữu khu chức năng này thực hiện quản lý.

Đối với phần sở hữu chung của cả tòa nhà thì các chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm cùng quản lý; việc quản lý vận hành phần sở hữu chung này được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 7 Quy chế ban hành kèm theo Thông tư 02/2016/TT-BXD.

- Đối với nhà sinh hoạt cộng đồng của tòa nhà chung cư thì do các chủ sở hữu hoặc Ban quản trị (nếu nhà chung cư có Ban quản trị) hoặc đơn vị quản lý vận hành nhà chung cư thực hiện quản lý theo quyết định của hội nghị nhà chung cư.

- Đối với phần sở hữu chung của cụm nhà chung cư thì Ban quản trị của cụm nhà chung cư thay mặt các chủ sở hữu để quản lý phần sở hữu chung này.

- Trường hợp ký hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ trước ngày 02/4/2016 thì việc xác định phần sở hữu chung của nhà chung cư được thực hiện theo quy định của pháp luật về nhà ở tại thời điểm ký kết hợp đồng; trường hợp pháp luật về nhà ở không có quy định thì xác định theo thỏa thuận trong hợp đồng mua bán, thuê mua căn hộ.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,039

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]