Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự mới nhất

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
12/01/2024 08:23 AM

Cho tôi hỏi trong vụ án hình sự thì hồ sơ vụ án hình sự được đánh bút lục như thế nào? - Tuấn Minh (Long An)

Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự mới nhất

Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự mới nhất (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về hồ sơ vụ án hình sự 

Theo Điều 131 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về hồ sơ vụ án hình sự như sau:

- Khi tiến hành tố tụng trong giai đoạn khởi tố, điều tra, Cơ quan điều tra phải lập hồ sơ vụ án.

- Hồ sơ vụ án gồm:

+ Lệnh, quyết định, yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát;

+ Các biên bản tố tụng do Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát lập;

+ Các chứng cứ, tài liệu liên quan đến vụ án.

- Các chứng cứ, tài liệu do Viện kiểm sát, Tòa án thu thập trong giai đoạn truy tố, xét xử phải đưa vào hồ sơ vụ án.

- Hồ sơ vụ án phải có thống kê tài liệu kèm theo. Thống kê tài liệu ghi rõ tên tài liệu, số bút lục và đặc điểm của tài liệu (nếu có). Trường hợp có bổ sung tài liệu vào hồ sơ vụ án thì phải có thống kê tài liệu bổ sung. Hồ sơ vụ án phải được quản lý, lưu giữ, sử dụng theo quy định của pháp luật.

2. Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự mới nhất

* Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn điều tra:

Theo khoản 1 Điều 35 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP thì việc thống kê và đóng dấu bút lục vào biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án trong giai đoạn điều tra được thực hiện như sau:

- Trước khi chuyển cho Viện kiểm sát biên bản, tài liệu về hoạt động điều tra mà Viện kiểm sát không trực tiếp kiểm sát, biên bản, tài liệu điều tra để Viện kiểm sát kiểm sát việc lập hồ sơ vụ án hoặc hồ sơ đề nghị Viện kiểm sát xét phê chuẩn lệnh, quyết định của Cơ quan điều tra thì Điều tra viên phải thống kê đầy đủ tên biên bản, tài liệu, ghi số thứ tự trong bản thống kê biên bản, tài liệu và đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra (nhưng chưa đánh số bút lục) vào góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu;

- Kiểm sát viên đóng dấu bút lục của Viện kiểm sát (không phải đánh số bút lục) vào góc dưới bên phải của từng trang biên bản, tài liệu do Cơ quan điều tra chuyển qua và biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập trong quá trình điều tra trước khi chuyển cho Cơ quan điều tra.

* Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn kết thúc điều tra:

Theo điểm a khoản 2 Điều 35 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP thì việc thống kê, đánh số và đóng dấu bút lục biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án khi kết thúc điều tra được thực hiện như sau:

Khi kết thúc điều tra, các biên bản, tài liệu trong quá trình khởi tố, điều tra do Điều tra viên, Kiểm sát viên thu thập đều phải đưa vào hồ sơ vụ án theo đúng trình tự tố tụng. Điều tra viên đóng dấu bút lục của Cơ quan điều tra ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu có trong hồ sơ vụ án, đánh số bút lục một lần và lập bảng thống kê đầy đủ các biên bản, tài liệu theo thứ tự từ 01 cho đến hết. 

Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Điều tra viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Điều tra viên được đưa vào hồ sơ vụ án;

* Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn truy tố:

Theo điểm b khoản 2 Điều 35 Thông tư liên tịch 04/2018/TTLT-VKSNDTC-BCA-BQP thì việc thống kê, đánh số và đóng dấu bút lục biên bản, tài liệu trong hồ sơ vụ án trong giai đoạn truy tố được thực hiện như sau:

Trong giai đoạn truy tố, biên bản, tài liệu do Kiểm sát viên thu thập phải được đưa vào hồ sơ vụ án, đóng dấu bút lục ở góc trên bên phải của từng trang biên bản, tài liệu và đánh số thứ tự tiếp theo số bút lục trong hồ sơ vụ án do Điều tra viên chuyển đến; không được thay đổi thứ tự bút lục trong hồ sơ vụ án. 

Quá trình đóng dấu và đánh số bút lục, nếu có sự nhầm lẫn hoặc tẩy xóa bút lục thì Kiểm sát viên phải tổng hợp, ký xác nhận vào bảng thống kê biên bản, tài liệu và có báo cáo giải trình về lý do việc nhầm lẫn, tẩy xóa bút lục; báo cáo giải trình của Kiểm sát viên được đưa vào hồ sơ vụ án.

* Cách đánh bút lục hồ sơ vụ án hình sự trong giai đoạn xét xử và sau xét xử:

Tòa án đóng dấu bút lục của Tòa án và ghi số bút lục tiếp theo số thứ tự của Viện kiểm sát đối với những tài liệu tố tụng do Tòa án ban hành và tài liệu vụ án do Tòa án thu thập, tiếp nhận trong giai đoạn xét xử và sau khi xét xử.

Theo khoản 5 Điều 8 Quyết định 193/QĐ-TANDTC năm 2022 thì trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày giải quyết xong vụ án hoặc kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, cá nhân được giao quản lý hồ sơ, nghiên cứu, giải quyết vụ án phải kiểm tra, sắp xếp toàn bộ tài liệu trong hồ sơ vụ án, đánh số bút lục và lập bản kê đối với những tài liệu phát sinh; làm thủ tục bàn giao hồ sơ vụ án cho đơn vị, bộ phận quản lý hồ sơ hoặc lưu trữ cơ quan theo đúng quy định.


 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 21,099

Bài viết về

lĩnh vực Trách nhiệm hình sự

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]