Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
Chuyên viên pháp lý Nguyễn Ngọc Quế Anh
26/01/2024 13:45 PM

Xin cho tôi hỏi Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng như thế nào? - Ngọc Huyền (Đắk Lắk)

Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn lao động đối với thiết bị nâng (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về quản lý an toàn lao động trong chế tạo, nhập khẩu, lưu thông, lắp đặt và sử dụng thiết bị nâng

Theo mục 3 QCVN 7: 2012/BLĐTBXH quy định về quản lý an toàn lao động trong chế tạo, nhập khẩu, lưu thông, lắp đặt và sử dụng thiết bị nâng như sau:

(1) Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thiết bị nâng chế tạo trong nước

Các thiết bị nâng thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chuẩn này phải có:

- Đủ hồ sơ kỹ thuật gốc;

- Công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy (theo các phương thức đánh giá sự phù hợp: Phương thức 7 nếu thiết bị nâng được chế tạo theo lô hoặc phương thức 8 nếu thiết bị nâng được chế tạo đơn chiếc quy định tại Quyết định 24/2007/QĐ-BKHCN;

- Gắn dấu hợp quy trước khi đưa ra lưu thông trên thị trường;

- Chịu sự kiểm tra giám sát của cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(2) Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thiết bị nâng nhập khẩu

- (*) Thiết bị nâng nhập khẩu phải có đủ hồ sơ kỹ thuật gốc và được công bố hợp quy, chứng nhận hợp quy theo quy định bởi tổ chức chứng nhận được chỉ định của Việt Nam hoặc tổ chức chứng nhận nước ngoài được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết.

- Trong trường hợp các thiết bị nâng nhập khẩu mà theo thỏa thuận song phương, đa phương giữa cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các nước xuất khẩu thiết bị nâng quy định không phải kiểm tra chất lượng khi nhập khẩu thì các thiết bị nâng này được miễn kiểm tra nhập khẩu.

- Đối với các chủng loại thiết bị nâng thỏa mãn quy định tại mục (*), nếu qua 3 lần kiểm tra liên tục đạt chất lượng nhập khẩu sẽ được miễn kiểm tra nhập khẩu. Cơ quan kiểm tra chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ thông báo cụ thể với cơ quan Hải quan và trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Tuy nhiên, nếu phát hiện thiết bị nâng có dấu hiệu không đảm bảo chất lượng nhập khẩu hoặc có phản ánh của người tiêu dùng, việc kiểm tra chất lượng thiết bị nâng sẽ được chuyển sang chế độ kiểm tra chất lượng nhập khẩu thông thường.

- Thiết bị nâng nhập khẩu không đáp ứng quy định tại mục (*) nêu trên thì khi nhập khẩu phải được tổ chức giám định được chỉ định hoặc được thừa nhận theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc thỏa thuận quốc tế mà cơ quan có thẩm quyền của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết giám định tại cửa khẩu nhập.

- Thiết bị nâng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng theo trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.

(3) Điều kiện đảm bảo an toàn đối với thiết bị nâng lưu thông trên thị trường.

Thiết bị nâng lưu thông trên thị trường phải được người bán hàng thực hiện các yêu cầu sau:

- Ngoài việc tuân thủ các quy định của TCVN 4244-2005, còn phải tuân thủ các Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng trong quá trình bảo quản, lưu thông thiết bị nâng;

- Chịu sự kiểm tra chất lượng theo những nội dung, trình tự, thủ tục quy định và bị xử lý nếu có vi phạm theo luật định.

(4) Thiết bị nâng có đủ điều kiện lắp đặt

Thiết bị nâng chỉ được lắp đặt khi có đủ các điều kiện sau:

- Có đủ hồ sơ kỹ thuật gốc;

-Đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy theo quy định. Thiết bị nâng nhập khẩu phải có hồ sơ hoàn thành thủ tục hải quan;

- Các bộ phận chi tiết máy đi kèm phải đồng bộ hoặc chế tạo theo dạng liên kết của nhiều hãng, nhiều quốc gia thì việc đảm bảo các đặc tính kỹ thuật là của hãng thiết bị nâng đứng tên.

(5) Yêu cầu đối với đơn vị lắp đặt thiết bị nâng

- Đơn vị lắp đặt, hiệu chỉnh, bảo dưỡng và sửa chữa thiết bị nâng phải có đủ các điều kiện sau:

+ Có tư cách pháp nhân, được cơ quan có thẩm quyền cấp đăng ký kinh doanh hoạt động trong lĩnh vực này;

+ Có đủ cán bộ kỹ thuật đã được đào tạo kỹ thuật chuyên ngành. Có đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, được huấn luyện và cấp thẻ an toàn theo quy định;

+ Có đủ điều kiện kỹ thuật, khả năng công nghệ cho công việc lắp đặt, hiệu chỉnh và sửa chữa;

+ Tuân thủ các hướng dẫn lắp đặt, vận hành, sử dụng của nhà chế tạo và phải đảm bảo các thông số kỹ thuật của thiết bị nâng theo hồ sơ kỹ thuật gốc;

+ Trên cơ sở hồ sơ kỹ thuật gốc, đơn vị lắp đặt phải lập các tài liệu kỹ thuật sau để bàn giao cho đơn vị sử dụng:

++ Lý lịch thiết bị nâng;

++ Hướng dẫn vận hành, sử dụng an toàn thiết bị nâng;

++ Hướng dẫn chế độ bảo dưỡng, kiểm tra thường xuyên và định kỳ;

++ Phân công trách nhiệm và quy định chu kỳ hiệu chỉnh, bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố giữa đơn vị lắp đặt, bảo dưỡng với đơn vị sử dụng thiết bị nâng;

+ Đơn vị lắp đặt và sửa chữa có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với đơn vị sử dụng thiết bị nâng thực hiện việc kiểm định kỹ thuật an toàn lần đầu theo đúng quy định của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

(6) Quản lý sử dụng an toàn thiết bị nâng

- Những yêu cầu an toàn khi sử dụng thiết bị nâng:

+ Chỉ sử dụng thiết bị nâng có tình trạng kỹ thuật tốt, đã được kiểm định kỹ thuật an toàn đạt yêu cầu. Không sử dụng thiết bị nâng đã bị hư hỏng các chi tiết, bộ phận quan trọng;

+ Bố trí thiết bị nâng làm việc theo đúng đặc tính kỹ thuật và trọng tải mà nhà chế tạo đã quy định (hoặc trọng tải do đơn vị quản lý sử dụng mới quy định lại sau khi cải tạo, sửa chữa…);

+ Đảm bảo đủ ánh sáng và các yêu cầu an toàn khác cho chỗ nâng hạ, di chuyển tải;

+ Bố trí đủ người làm việc cho mỗi thiết bị nâng. Tùy theo điều kiện làm việc cụ thể nhưng không được ít hơn 2 người;

+ Phải có các biện pháp an toàn để đảm bảo an toàn cho người, vật tư, thiết bị và công trình trong khu vực hoạt động của thiết bị nâng.

+ Tổ chức khắc phục kịp thời các hư hỏng đã được phát hiện;

+ Mỗi thiết bị nâng phải có sổ theo dõi bảo dưỡng, sửa chữa định kỳ, thay thế các bộ phận đủ nội dung hạng mục công việc theo quy định của nhà chế tạo;

+ Mỗi thiết bị nâng phải có một sổ giao ca để ghi kết quả kiểm tra đầu ca và tình trạng thiết bị nâng trong suốt quá trình làm việc.

- Người chịu trách nhiệm quản lý kỹ thuật và quản lý vận hành thiết bị nâng phải được huấn luyện cơ bản về nghiệp vụ mà mình đảm nhận; được huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động lần đầu trước khi giao việc, huấn luyện định kỳ hàng năm và được cấp giấy chứng nhận huấn luyện an toàn theo quy định; hiểu được tính năng kỹ thuật của thiết bị nâng mà mình phụ trách; biết các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật an toàn liên quan đến thiết bị nâng.

- Khi sử dụng thiết bị nâng trong bất kỳ trường hợp nào cũng phải có người báo tín hiệu, số lượng công nhân báo tín hiệu phụ thuộc vào điều kiện làm việc cụ thể. Trong trường hợp công nhân điều khiển thiết bị nâng nhìn thấy tải trong suốt quá trình móc, nâng, chuyển và hạ tải thì chức năng báo tín hiệu có thể do công nhân móc tải thực hiện.

- Công nhân điều khiển thiết bị nâng và công nhân buộc móc tải phải đảm bảo các yêu cầu sau:

+ Từ 18 tuổi trở lên;

+ Có đủ sức khỏe;

+ Được đào tạo về chuyên môn và được huấn luyện, cấp thẻ an toàn theo đúng quy định.

- Việc bố trí công nhân điều khiển thiết bị nâng phải có quyết định bằng văn bản của người sử dụng lao động.

- Khi công nhân điều khiển thiết bị nâng chuyển sang làm việc ở thiết bị nâng loại khác, phải được đào tạo lại phù hợp để điều khiển thiết bị mới. Công nhân điều khiển thiết bị nâng nghỉ việc theo nghề hơn 1 năm thì trước khi bố trí làm việc trở lại phải được kiểm tra lại kiến thức và thực tập một thời gian để phục hồi thói quen cần thiết.

2. Quy định về kiểm định kỹ thuật an toàn và đăng ký sử dụng thiết bị nâng

Tại mục 4 QCVN 7: 2012/BLĐTBXH quy định:

- Thiết bị nâng trước khi đưa vào sử dụng phải được kiểm định lần đầu, kiểm định định kỳ trong suốt quá trình sử dụng, và kiểm định bất thường theo quy trình kiểm định do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

Việc kiểm định kỹ thuật an toàn thiết bị nâng phải do tổ chức đánh giá sự phù hợp đã được Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ định theo trình tự luật định.

- Trong quá trình kiểm định, các tổ chức kiểm định và đơn vị quản lý sử dụng thiết bị nâng phải tuân thủ chặt chẽ các quy trình kỹ thuật an toàn thiết bị nâng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành.

- Các thiết bị nâng sau khi kiểm định đạt yêu cầu phải được dán tem theo quy định.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,293

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]