Thi hành kỷ luật trong Đảng là gì? Có bao nhiêu nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
30/01/2024 13:43 PM

Tôi muốn biết thi hành kỷ luật trong Đảng là gì? Có bao nhiêu nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng? – Phú Thuận (Đồng Tháp)

Thi hành kỷ luật trong Đảng là gì? Có bao nhiêu nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng?

Thi hành kỷ luật trong Đảng là gì? Có bao nhiêu nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng? (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

Thi hành kỷ luật trong Đảng là gì?

Theo khoản 8 Điều 3 Quy định 22-QĐ/TW năm 2021, thi hành kỷ luật trong Đảng là việc các tổ chức đảng có thẩm quyền thi hành kỷ luật đối với tổ chức đảng và đảng viên có vi phạm đến mức phải xử lý bằng một trong những hình thức kỷ luật được quy định tại Khoản 2, Điều 35 Điều lệ Đảng.

Điều 35.

...

2. Hình thức kỷ luật :

- Đối với tổ chức đảng : khiển trách, cảnh cáo, giải tán;

- Đối với đảng viên chính thức : khiển trách, cảnh cáo, cách chức, khai trừ;

- Đối với đảng viên dự bị : khiển trách, cảnh cáo.

Có bao nhiêu nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng?

Theo Quy định 22-QĐ/TW năm 2021, có tất cả 12 nguyên tắc thi hành kỷ luật trong Đảng bao gồm:

(1) Tổ chức đảng và đảng viên vi phạm kỷ luật phải được xử lý công minh, chính xác, kịp thời; tất cả đảng viên đều bình đẳng trước kỷ luật của Đảng, nếu vi phạm đến mức phải kỷ luật đều phải xử lý kỷ luật nghiêm minh.

(2) Đảng viên vi phạm pháp luật đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì chuyển cơ quan có thẩm quyền giải quyết, không được xử lý nội bộ. Nếu làm thất thoát tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước, của tổ chức, cá nhân thì phải xem xét trách nhiệm và bồi hoàn.

(3) Đảng viên sau khi chuyển sinh hoạt đảng sang tổ chức đảng mới, nếu phát hiện hoặc bị tố cáo có vi phạm kỷ luật ở nơi sinh hoạt đảng trước đây mà chưa được xem xét, xử lý thì do tổ chức đảng cấp trên của các đảng bộ nơi quản lý đảng viên trước đây và hiện nay xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo tổ chức đảng cấp dưới xem xét, xử lý theo thẩm quyền.

(4) Việc thi hành kỷ luật phải căn cứ nội dung, mức độ, tính chất, tác hại, ảnh hưởng, nguyên nhân vi phạm, hoàn cảnh cụ thể và các tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ để xem xét, quyết định cho phù hợp và phải chịu trách nhiệm về quyết định đó. Nếu hết thời hiệu thì không xem xét, xử lý kỷ luật.

(5) Kỷ luật đảng không thay thế kỷ luật hành chính, kỷ luật đoàn thể hoặc việc xử lý bằng pháp luật và ngược lại (trừ trường hợp có quy định khác). Tổ chức đảng sau khi xem xét, xử lý hoặc chỉ đạo việc xem xét, xử lý về kỷ luật đảng, phải chỉ đạo hoặc đề nghị ngay với các tổ chức có trách nhiệm xem xét, xử lý kỷ luật về hành chính, đoàn thể hoặc xử lý hình sự cho đồng bộ, kịp thời.

Khi các tổ chức nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội đình chỉ công tác hoặc xử lý kỷ luật đối với cán bộ, hội viên, đoàn viên là đảng viên thì phải chủ động thông báo ngay cho tổ chức đảng quản lý đảng viên đó để xem xét, xử lý kỷ luật đảng. Sau khi giải quyết khiếu nại kỷ luật về Đảng, nếu có thay đổi hình thức kỷ luật thì tổ chức đảng có thẩm quyền chỉ đạo việc xem xét lại hình thức kỷ luật về hành chính, đoàn thể.

(6) Đối với đảng viên là cấp ủy viên các cấp hoặc cán bộ thuộc diện cấp ủy các cấp quản lý đã nghỉ hưu, nếu phát hiện có vi phạm khi đang công tác thì thẩm quyền thi hành kỷ luật của các tổ chức đảng được thực hiện như đang đương chức; nếu có vi phạm khi đã nghỉ hưu thì do tổ chức đảng quản lý đảng viên đó xử lý kỷ luật theo thẩm quyền.

(7) Đảng viên vi phạm đang trong thời gian mang thai hoặc đang nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi, bị bệnh nặng thì chưa xem xét, xử lý kỷ luật. Trường hợp đảng viên vi phạm đã qua đời tổ chức đảng xem xét, không xử lý kỷ luật, trừ trường hợp có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng.

(8) Tổ chức đảng quyết định kỷ luật oan, sai đối với đảng viên phải thay đổi hoặc hủy bỏ quyết định đó, đồng thời tự phê bình, kiểm điểm, rút kinh nghiệm; nếu vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật thì cấp ủy hoặc ủy ban kiểm tra cấp trên xem xét, quyết định.

(9) Đảng viên chính thức vi phạm nghiêm trọng đến mức phải khai trừ thì phải kỷ luật khai trừ, không áp dụng biện pháp xoá tên, không chấp nhận việc xin ra khỏi Đảng.

(10) Đảng viên dự bị vi phạm đến mức phải kỷ luật thì kỷ luật khiển trách hoặc cảnh cáo, khi hết thời hạn dự bị, chi bộ vẫn tiến hành xét công nhận đảng viên chính thức. Nếu vi phạm đến mức không còn đủ tư cách đảng viên thì xoá tên trong danh sách đảng viên.

(11) Khi kỷ luật một tổ chức đảng phải xem xét trách nhiệm, xử lý kỷ luật đối với những đảng viên vi phạm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu tổ chức đảng.

(12) Đảng viên bị kỷ luật oan, sai phải được xin lỗi và phục hồi quyền lợi. Việc xin lỗi và phục hồi quyền lợi thực hiện theo quy định của Bộ Chính trị.

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 7,108

Bài viết về

lĩnh vực Đảng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]