Báo cáo tài chính là gì? Có mấy loại báo cáo tài chính? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Báo cáo tài chính là hệ thống thông tin kinh tế, tài chính của đơn vị kế toán được trình bày theo biểu mẫu quy định tại chuẩn mực kế toán và chế độ kế toán.
Trong đó:
- Chuẩn mực kế toán được hiểu là các tiêu chuẩn để doanh nghiệp lập và trình bày báo cáo tài chính.
- Chế độ kế toán là những quy định và hướng dẫn về kế toán trong một lĩnh vực hoặc một số công việc cụ thể do cơ quan quản lý nhà nước về kế toán hoặc tổ chức được cơ quan quản lý nhà nước về kế toán ủy quyền ban hành.
(Khoản 1 và khoản 2 Điều 3 Luật Kế toán 2015)
Theo Luật Kế toán 2015, báo cáo tài chính sẽ bao gồm Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán và Báo cáo tài chính nhà nước, cụ thể:
(1) Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính và kết quả hoạt động của đơn vị kế toán. Báo cáo tài chính của đơn vị kế toán gồm:
- Báo cáo tình hình tài chính;
- Báo cáo kết quả hoạt động;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
- Thuyết minh báo cáo tài chính;
- Báo cáo khác theo quy định của pháp luật.
(2) Báo cáo tài chính nhà nước được lập trên cơ sở hợp nhất báo cáo tài chính của cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan khác thuộc khu vực nhà nước, dùng để tổng hợp và thuyết minh về tình hình tài chính nhà nước, kết quả hoạt động tài chính nhà nước và lưu chuyển tiền tệ từ hoạt động tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
Báo cáo tài chính nhà nước cung cấp thông tin về tình hình thu, chi ngân sách nhà nước, các quỹ tài chính nhà nước, nợ công, vốn nhà nước tại doanh nghiệp, tài sản, nguồn vốn và sử dụng nguồn vốn của Nhà nước. Báo cáo tài chính nhà nước gồm:
- Báo cáo tình hình tài chính nhà nước;
- Báo cáo kết quả hoạt động tài chính nhà nước;
- Báo cáo lưu chuyển tiền tệ;
- Thuyết minh báo cáo tài chính nhà nước.
(Khoản 1 Điều 29 và khoản 1, 2 Điều 30 Luật Kế toán 2015)
**Đối với báo cáo tài chính của đơn vị kế toán:
Việc lập báo cáo tài chính của đơn vị kế toán được thực hiện như sau:
- Đơn vị kế toán phải lập báo cáo tài chính vào cuối kỳ kế toán năm; trường hợp pháp luật có quy định lập báo cáo tài chính theo kỳ kế toán khác thì đơn vị kế toán phải lập theo kỳ kế toán đó;
- Việc lập báo cáo tài chính phải căn cứ vào số liệu sau khi khóa sổ kế toán. Đơn vị kế toán cấp trên phải lập báo cáo tài chính tổng hợp hoặc báo cáo tài chính hợp nhất dựa trên báo cáo tài chính của các đơn vị kế toán trong cùng đơn vị kế toán cấp trên;
- Báo cáo tài chính phải được lập đúng nội dung, phương pháp và trình bày nhất quán giữa các kỳ kế toán; trường hợp báo cáo tài chính trình bày khác nhau giữa các kỳ kế toán thì phải thuyết minh rõ lý do;
- Báo cáo tài chính phải có chữ ký của người lập, kế toán trưởng và người đại diện theo pháp luật của đơn vị kế toán. Người ký báo cáo tài chính phải chịu trách nhiệm về nội dung của báo cáo.
(Khoản 2 Điều 29 Luật Kế toán 2015)
**Đối với báo cáo tài chính nhà nước
Việc lập báo cáo tài chính nhà nước được thực hiện như sau:
- Bộ Tài chính chịu trách nhiệm lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc, trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội; chỉ đạo Kho bạc Nhà nước chủ trì, phối hợp với cơ quan tài chính lập báo cáo tài chính thuộc phạm vi địa phương, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để báo cáo Hội đồng nhân dân cùng cấp;
- Các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, tổ chức kinh tế và các đơn vị có liên quan có trách nhiệm lập báo cáo của đơn vị mình và cung cấp thông tin tài chính cần thiết phục vụ việc lập báo cáo tài chính nhà nước trên phạm vi toàn quốc và từng địa phương.
(Khoản 3 Điều 30 Luật Kế toán 2015)