Nhà quản lý là người chịu trách nhiệm lãnh đạo và điều hành các hoạt động của một tổ chức hay một phần tổ chức. Công việc của nhà quản lý bao gồm xây dựng chiến lược, quản lý nguồn lực, định hướng, tạo động lực, giám sát và đánh giá hiệu quả hoạt động của tổ chức. Họ thường phải tương tác với các thành viên trong tổ chức và đảm bảo rằng công việc được thực hiện theo kế hoạch và đạt được mục tiêu đã đề ra.
Các nhà quản lý chịu trách nhiệm đạt được các mục tiêu của một tổ chức thông qua việc quản lý các nguồn lực của tổ chức (con người, tài chính và hoạt động). Nhiệm vụ quản lý bao gồm nhưng không giới hạn ở việc lãnh đạo nhóm, đặt mục tiêu, phân tích hiệu suất, đưa ra quyết định và xem xét.
Nhà quản lý thường được phần thành 3 hạng như sau:
- Nhà quản lý cấp cao nhất là những người đảm nhận các vị trí C-suite. Họ làm việc với tư cách là người đứng đầu tổ chức, CEO, CFO, Chủ tịch, Giám đốc điều hành,... thuộc nhóm quản lý cấp cao nhất trong doanh nghiệp.
- Nhà quản lý cấp trung là những nhà quản lý thuộc cấp lãnh đạo trung gian trong bộ máy tổ chức của doanh nghiệp. Họ hoạt động dưới sự điều hành của các nhà quản lý cấp cao, đồng thời dẫn dắt, quản lý các nhân viên cấp dưới.
- Nhà quản lý cấp cơ sở là người sẽ làm việc và tương tác trực tiếp với nhân viên.
Nhà quản lý là ai? Chức năng của nhà quản lý là gì? (Hình từ internet)
Trong doanh nghiệp, các nhà quản lý thường có các chức năng cơ bản sau đây:
(1) Chức năng hoạch định các chính sách của doanh nghiệp
Một nhà quản lý doanh nghiệp có trách nhiệm lập kế hoạch chiến lược và chi tiết để đạt được mục tiêu của công ty. Bao gồm việc định rõ mục tiêu, phân công nhiệm vụ, xác định nguồn lực cần thiết và xây dựng lộ trình để đạt được kết quả mong muốn.
(2) Chức năng tổ chức doanh nghiệp
Tổ chức là việc sắp xếp các nguồn lực của doanh nghiệp, bao gồm con người, tài chính, vật chất và thông tin, một cách hợp lý để thực hiện kế hoạch đã đề ra. Nhà quản trị cần phải phân chia công việc, phân công trách nhiệm và quyền hạn cho các nhân viên, cũng như xây dựng cơ cấu tổ chức phù hợp với mục tiêu và chiến lược của doanh nghiệp.
(3) Chức năng lãnh đạo trong doanh nghiệp
Nhà quản lý doanh nghiệp đóng vai trò lãnh đạo trong việc hướng dẫn và động viên nhân viên. Họ phải tạo ra một môi trường làm việc tích cực, định hướng cho nhân viên và thúc đẩy sự phát triển cá nhân. Chức năng lãnh đạo cũng bao gồm việc đặt ra mục tiêu, định hình giá trị và văn hóa tổ chức, định rõ hướng đi chiến lược của công ty.
(4) Chức năng kiểm soát trong doanh nghiệp
Một chức năng quan trọng khác của nhà quản lý là kiểm soát, bao gồm việc theo dõi, đánh giá quá trình tiến hành công việc và kết quả đạt được. Nhà quản lý cần thiết lập các tiêu chuẩn và chỉ số đo lường, đồng thời theo dõi, đánh giá hiệu suất để đảm bảo rằng công ty đang hoạt động theo đúng tiến độ và đạt được mục tiêu đã đề ra. Nếu có sai sót, nhà quản lý phải áp dụng các biện pháp sửa đổi và cải thiện để đảm bảo hoạt động hiệu quả hơn.
Doanh nghiệp là nơi quy tụ rất nhiều cá thể riêng biệt và vai trò của nhà quản lý là hướng tất cả cá thể đó đến mục tiêu và lợi ích chung của doanh nghiệp, gồm:
- Vai trò đại diện cho doanh nghiệp: Nhà quản trị là người đại diện cho doanh nghiệp và đại diện cho những nhân viên dưới quyền.
- Vai trò người lãnh đạo: Là người chịu trách nhiệm tuyển dụng và đào tạo nhân viên, luôn đi tiên phong trong mọi hoạt động, đôn thúc và quản lý công việc của nhân viên. Đồng thời có trách nhiệm hòa giải các mâu thuẫn để kết nối tất cả thành viên trong doanh nghiệp thành một khối thống nhất nhằm phát huy sức mạnh tập thể.
Căn cứ Điều 12 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp như sau:
(i) Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là cá nhân đại diện cho doanh nghiệp thực hiện các quyền và nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch của doanh nghiệp, đại diện cho doanh nghiệp với tư cách người yêu cầu giải quyết việc dân sự, nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trước Trọng tài, Tòa án và các quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
(ii) Công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần có thể có một hoặc nhiều người đại diện theo pháp luật. Điều lệ công ty quy định cụ thể số lượng, chức danh quản lý và quyền, nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp. Nếu công ty có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật thì Điều lệ công ty quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật. Trường hợp việc phân chia quyền, nghĩa vụ của từng người đại diện theo pháp luật chưa được quy định rõ trong Điều lệ công ty thì mỗi người đại diện theo pháp luật của công ty đều là đại diện đủ thẩm quyền của doanh nghiệp trước bên thứ ba; tất cả người đại diện theo pháp luật phải chịu trách nhiệm liên đới đối với thiệt hại gây ra cho doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.
(iii) Doanh nghiệp phải bảo đảm luôn có ít nhất một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam. Khi chỉ còn lại một người đại diện theo pháp luật cư trú tại Việt Nam thì người này khi xuất cảnh khỏi Việt Nam phải ủy quyền bằng văn bản cho cá nhân khác cư trú tại Việt Nam thực hiện quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật. Trường hợp này, người đại diện theo pháp luật vẫn phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyền và nghĩa vụ đã ủy quyền.
(iv) Trường hợp hết thời hạn ủy quyền theo điểm (iii) mà người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp chưa trở lại Việt Nam và không có ủy quyền khác thì thực hiện theo quy định sau đây:
- Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp tư nhân cho đến khi người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp trở lại làm việc tại doanh nghiệp;
- Người được ủy quyền tiếp tục thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh cho đến khi người đại diện theo pháp luật của công ty trở lại làm việc tại công ty hoặc cho đến khi chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị quyết định cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp.
(v) Trừ trường hợp (vi), đối với doanh nghiệp chỉ còn một người đại diện theo pháp luật và người này vắng mặt tại Việt Nam quá 30 ngày mà không ủy quyền cho người khác thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì chủ sở hữu công ty, Hội đồng thành viên, Hội đồng quản trị cử người khác làm người đại diện theo pháp luật của công ty.
(vi) Đối với công ty trách nhiệm hữu hạn có hai thành viên, nếu có thành viên là cá nhân làm người đại diện theo pháp luật của công ty chết, mất tích, đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính tại cơ sở cai nghiện bắt buộc, cơ sở giáo dục bắt buộc, trốn khỏi nơi cư trú, bị hạn chế hoặc mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, bị Tòa án cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định thì thành viên còn lại đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty cho đến khi có quyết định mới của Hội đồng thành viên về người đại diện theo pháp luật của công ty.
(vii) Tòa án, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng khác có quyền chỉ định người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật.