Đối chất có phải là thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự không?

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
29/02/2024 17:30 PM

Xin cho tôi hỏi đối chất có phải là thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự không? - Thanh Dương (Hà Giang)

Đối chất có phải là thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự không?

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1.  Đối chất có phải là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ không?

Theo khoản 2 Điều 97 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 quy định trong các trường hợp do Bộ luật này quy định, Tòa án có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp sau đây để thu thập tài liệu, chứng cứ:

- Lấy lời khai của đương sự, người làm chứng;

- Đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng;

- Trưng cầu giám định;

- Định giá tài sản;

- Xem xét, thẩm định tại chỗ;

- Ủy thác thu thập, xác minh tài liệu, chứng cứ;

- Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được hoặc hiện vật khác liên quan đến việc giải quyết vụ việc dân sự;

- Xác minh sự có mặt hoặc vắng mặt của đương sự tại nơi cư trú;

- Các biện pháp khác theo quy định của Bộ luật này.

Như vậy, theo quy định nêu trên đối chất là một trong những biện pháp thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự.

2. Đối chất có phải là thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự không?

Căn cứ Điều 100 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 có quy định về đối chất cụ thể như sau:

- Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng, Thẩm phán tiến hành đối chất giữa các đương sự với nhau, giữa đương sự với người làm chứng hoặc giữa những người làm chứng với nhau.

- Việc đối chất phải được lập thành biên bản, có chữ ký hoặc điểm chỉ của những người tham gia đối chất.

Như vậy, theo quy định nêu trên, đối chất được thực hiện khi có yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy có mâu thuẫn trong lời khai của các đương sự, người làm chứng. Do đó, đối chất không là thủ tục bắt buộc trong tố tụng dân sự. 

3. Trong vụ án hình sự, có được tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo không?

Căn cứ tại Điều 421 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định về lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng; hỏi cung bị can; đối chất như sau:

- Khi lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, người bị hại, người làm chứng, hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi, cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải thông báo trước thời gian, địa điểm lấy lời khai, hỏi cung cho người bào chữa, người đại diện, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

- Việc lấy lời khai người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, bị tạm giữ, hỏi cung bị can phải có mặt người bào chữa hoặc người đại diện của họ.

Việc lấy lời khai của người bị hại, người làm chứng phải có người đại diện hoặc người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ tham dự.

- Người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can là người dưới 18 tuổi nếu được Điều tra viên, Kiểm sát viên đồng ý. Sau mỗi lần lấy lời khai, hỏi cung của người có thẩm quyền kết thúc thì người bào chữa, người đại diện có thể hỏi người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, người bị bắt, người bị tạm giữ, bị can.

- Thời gian lấy lời khai người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

- Thời gian hỏi cung bị can là người dưới 18 tuổi không quá hai lần trong 01 ngày và mỗi lần không quá 02 giờ, trừ trường hợp:

+ Phạm tội có tổ chức;

+ Để truy bắt người phạm tội khác đang bỏ trốn;

+ Ngăn chặn người khác phạm tội;

+ Để truy tìm công cụ, phương tiện phạm tội hoặc vật chứng khác của vụ án;

+ Vụ án có nhiều tình tiết phức tạp.

- Người có thẩm quyền tiến hành tố tụng chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án. 

Như vậy, theo quy định nêu trên, chỉ tiến hành đối chất giữa bị hại là người dưới 18 tuổi với bị can, bị cáo để làm sáng tỏ tình tiết của vụ án trong trường hợp nếu không đối chất thì không thể giải quyết được vụ án. 

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,209

Bài viết về

lĩnh vực Thủ tục tố tụng

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]