04 trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Trần Thanh Rin
29/02/2024 15:00 PM

Tôi muốn biết cá nhân thuộc các trường hợp nào sẽ không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán? – Hồng Phúc (Bạc Liêu)

04 trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán

04 trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán (Hinh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

04 trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán

Đoàn kiểm toán được thành lập để thực hiện nhiệm vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước và tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ kiểm toán nhưng phải chịu trách nhiệm về những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị trong báo cáo kiểm toán.

Trong đó, có 04 trường hợp không được bố trí làm thành viên Đoàn kiểm toán:

(1) Mua cổ phần, góp vốn hoặc có quan hệ về lợi ích kinh tế với đơn vị được kiểm toán.

(2) Đã từng giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán của các năm tài chính được kiểm toán.

(3) Trong thời hạn ít nhất là 05 năm, kể từ khi thôi giữ chức vụ quản lý, điều hành, thành viên ban kiểm soát, kế toán trưởng hoặc phụ trách kế toán tại đơn vị được kiểm toán.

(4) Có quan hệ là bố đẻ, mẹ đẻ, bố nuôi, mẹ nuôi, bố chồng, mẹ chồng, bố vợ, mẹ vợ, vợ, chồng, con, anh ruột, chị ruột, em ruột với người đứng đầu, kế toán trưởng hoặc người phụ trách kế toán của đơn vị được kiểm toán.

(Điều 28 và Điều 36 Luật Kiểm toán nhà nước 2015)

Nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của thành viên Đoàn kiểm toán

(1) Trường hợp thành viên Đoàn kiểm toán là Kiểm toán viên nhà nước

- Nhiệm vụ:

+ Chấp hành sự phân công và báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ kiểm toán với Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

+ Khi tiến hành kiểm toán phải tuân theo pháp luật; tuân thủ nguyên tắc, chuẩn mực, quy trình kiểm toán và các quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước;

+ Thu thập và đánh giá bằng chứng kiểm toán; ghi nhật ký kiểm toán và tài liệu làm việc của Kiểm toán viên nhà nước; lưu giữ, bảo quản hồ sơ kiểm toán theo quy định của pháp luật;

+ Chấp hành ý kiến chỉ đạo và kết luận của Tổ trưởng Tổ kiểm toán, Trưởng Đoàn kiểm toán;

+ Chấp hành kỷ luật công tác của Tổ kiểm toán, Đoàn kiểm toán theo quy định của Tổng Kiểm toán nhà nước.

- Quyền hạn:

+ Khi thực hiện kiểm toán, Kiểm toán viên nhà nước có quyền độc lập và chỉ tuân theo pháp luật;

+ Yêu cầu đơn vị được kiểm toán và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động kiểm toán cung cấp đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu có liên quan đến nội dung kiểm toán;

+ Sử dụng thông tin, tài liệu của cộng tác viên Kiểm toán nhà nước; xem xét tài liệu liên quan đến hoạt động của đơn vị được kiểm toán; thu thập, bảo vệ tài liệu và bằng chứng khác; xem xét quy trình hoạt động của đơn vị được kiểm toán;

+ Bảo lưu ý kiến bằng văn bản về kết quả kiểm toán trong phạm vi được phân công và báo cáo Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán; trường hợp không thống nhất thì báo cáo Kiểm toán trưởng; trường hợp Kiểm toán trưởng không thống nhất thì báo cáo Tổng Kiểm toán nhà nước;

+ Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán làm rõ lý do thay đổi những đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị của mình trong biên bản kiểm toán, báo cáo kiểm toán;

+ Đề nghị Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán yêu cầu đơn vị được kiểm toán giải trình về những vấn đề liên quan đến việc kiểm toán; đề nghị mời chuyên gia, cộng tác viên Kiểm toán nhà nước khi cần thiết;

+ Được bảo đảm điều kiện và phương tiện cần thiết để tiến hành kiểm toán.

(Điều 42 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, sửa đổi 2019)

(2) Trường hợp thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước

Thành viên Đoàn kiểm toán không phải Kiểm toán viên nhà nước có nhiệm vụ và trách nhiệm sau đây:

- Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán;

- Tuân thủ pháp luật, chuẩn mực, quy trình và phương pháp chuyên môn, nghiệp vụ kiểm toán của Kiểm toán nhà nước;

- Chịu trách nhiệm trước Trưởng Đoàn kiểm toán, Tổ trưởng Tổ kiểm toán về nhiệm vụ được giao

(Khoản 2 Điều 43 Luật Kiểm toán nhà nước 2015, sửa đổi 2019)

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 277

Bài viết về

lĩnh vực Kế toán - Kiểm toán

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]