Thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự của Tòa gia đình và người chưa thành niên (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo Điều 3 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC thì Tòa gia đình và người chưa thành niên có thẩm quyền xét xử các vụ án hình sự sau đây:
- Vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi.
- Vụ án hình sự có người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.
Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xử án hình sự theo Điều 4 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC như sau:
- Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý và tội đặc biệt nghiêm trọng.
- Vụ án hình sự có bị cáo là người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm một trong các tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại các Điều 123, 134, 141, 142, 144, 151, 168, 169, 170, 171, 248, 249, 250, 251, 252 và 299 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi 2017).
- Vụ án hình sự vừa có bị cáo là người dưới 18 tuổi vừa có bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Vụ án hình sự mà bị cáo là người từ đủ 18 tuổi trở lên nhưng người bị hại là người dưới 18 tuổi bị tổn thương nghiêm trọng về tâm lý hoặc cần sự hỗ trợ về điều kiện sống, học tập do không có môi trường gia đình lành mạnh như những người dưới 18 tuổi khác.
Những vụ án hình sự thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên xét xử tại Phòng xét xử thân thiện theo Điều 5 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC như sau:
- Những vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi thuộc thẩm quyền của Tòa gia đình và người chưa thành niên nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 4 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC thì xét xử tại Phòng xét xử thân thiện.
- Đối với các Tòa án chưa có Phòng xét xử thân thiện thì khi xét xử các vụ án quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC, phòng xử án phải được bố trí thân thiện, bảo đảm lợi ích tốt nhất cho người dưới 18 tuổi.
Quy định về việc tham gia của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi tại Tòa gia đình và người chưa thành niên theo Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC như sau:
- Người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ có quyền nhờ những người sau đây bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi:
+ Luật sư;
+ Trợ giúp viên pháp lý;
+ Bào chữa viên nhân dân;
+ Người khác.
- Tòa án phải thông báo cho người bị hại là người dưới 18 tuổi hoặc cha mẹ, người đại diện hợp pháp, người giám hộ của họ về quyền nhờ những người quy định tại khoản 1 Điều 9 Thông tư 02/2018/TT-TANDTC bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.
Trường hợp họ không lựa chọn được người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại nhưng có văn bản đề nghị thì Tòa án yêu cầu Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư hoặc Trung tâm trợ giúp pháp lý cử Trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức thành viên của Mặt trận cử bào chữa viên nhân dân bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị hại là người dưới 18 tuổi.
- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị hại là người dưới 18 tuổi có quyền tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can, có mặt khi cơ quan tiến hành tố tụng lấy lời khai của người mà mình bảo vệ; có quyền kháng cáo phần bản án, quyết định của Tòa án có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của người mà mình bảo vệ; có quyền đề nghị thay đổi người tiến hành tố tụng, người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.