Khi nào hoãn phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án hình sự? (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Theo khoản 1 Điều 352 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì tòa án cấp phúc thẩm chỉ được hoãn phiên tòa khi thuộc một trong các trường hợp:
- Có một trong những căn cứ quy định tại các Điều 52, 53, 349, 350 và 351 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015:
+ Thay đổi Kiểm sát viên, Kiểm tra viên (Điều 52 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
+ Thay đổi Thẩm phán, Hội thẩm (Điều 53 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
+ Sự có mặt của thành viên Hội đồng xét xử phúc thẩm, Thư ký Tòa án (Điều 349 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
+ Sự có mặt của Kiểm sát viên (Điều 350 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015);
+ Sự có mặt của người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị (Điều 351 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015).
- Cần phải xác minh, thu thập bổ sung chứng cứ, tài liệu, đồ vật mà không thể thực hiện được ngay tại phiên tòa.
Trường hợp hoãn phiên tòa thì vụ án phải được xét xử lại từ đầu.
Thời hạn chuẩn bị xét xử phúc thẩm vụ án hình sự theo Điều 346 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
- Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 60 ngày; Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương phải mở phiên tòa phúc thẩm trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ vụ án.
- Trong thời hạn 45 ngày đối với Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án quân sự cấp quân khu, 75 ngày đối với vụ án Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án quân sự trung ương kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa phải ra một trong các quyết định:
+ Đình chỉ xét xử phúc thẩm;
+ Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
- Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án phải mở phiên tòa phúc thẩm.
- Chậm nhất là 10 ngày trước khi mở phiên tòa, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đưa vụ án ra xét xử cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa, bị hại, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự, người kháng cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến kháng cáo, kháng nghị.
Thủ tục phiên tòa phúc thẩm vụ án hình sự theo Điều 354 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
- Thủ tục bắt đầu phiên tòa và thủ tụng tranh tụng tại phiên tòa phúc thẩm được tiến hành như phiên tòa sơ thẩm nhưng trước khi xét hỏi, một thành viên của Hội đồng xét xử trình bày tóm tắt nội dung vụ án, quyết định của bản án sơ thẩm, nội dung kháng cáo, kháng nghị.
- Chủ tọa phiên tòa hỏi người kháng cáo có thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu Kiểm sát viên trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng cáo.
Chủ tọa phiên tòa hỏi Kiểm sát viên có thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị hay không; nếu có thì chủ tọa phiên tòa yêu cầu bị cáo và những người liên quan đến kháng nghị trình bày ý kiến về việc thay đổi, bổ sung, rút kháng nghị.
- Khi tranh tụng tại phiên tòa, Kiểm sát viên, người khác liên quan đến kháng cáo, kháng nghị phát biểu ý kiến về nội dung kháng cáo, kháng nghị; Kiểm sát viên phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát về việc giải quyết vụ án.