Luật Nhà ở 2014 khi nào sẽ hết hiệu lực pháp luật?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
01/04/2024 17:08 PM

Tôi được biết Quốc hội đã thông qua Luật Nhà ở 2023, vậy thì Luật Nhà ở 2014 khi nào sẽ hết hiệu lực thi hành? - Thanh Ngân (TPHCM)

Luật Nhà ở 2014 khi nào sẽ hết hiệu lực pháp luật?

Luật Nhà ở 2014 khi nào sẽ hết hiệu lực pháp luật? (Hình ảnh từ Internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở 2014

Căn cứ Điều 1 Luật Nhà ở 2014 quy định thì Luật Nhà ở 2014 quy định về sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng nhà ở; giao dịch về nhà ở; quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam. Đối với giao dịch mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở thương mại của các doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh bất động sản thì thực hiện theo quy định của pháp luật về kinh doanh bất động sản.

2. Đối tượng thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Nhà ở 2014

Luật Nhà ở 2014 áp dụng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan đến sở hữu, phát triển, quản lý, sử dụng, giao dịch về nhà ở và quản lý nhà nước về nhà ở tại Việt Nam.

(Theo Điều 2 Luật Nhà ở 2014)

3. Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực từ khi nào?

Theo Điều 181 Luật Nhà ở 2014 quy định thì Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2015.

Luật Nhà ở 2005 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thi hành.

Đồng thời, tại Điều 182 Luật Nhà ở 2014 quy định điều khoản chuyển tiếp như sau:

- Các dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phê duyệt trước ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thì không phải thực hiện phê duyệt lại theo quy định của Luật Nhà ở 2014, trừ trường hợp thuộc diện phải điều chỉnh lại nội dung của dự án do Nhà nước điều chỉnh lại quy hoạch đã phê duyệt hoặc trường hợp phải dành diện tích đất trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại để xây dựng nhà ở xã hội hoặc phải dành diện tích nhà ở xã hội để cho thuê theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

Đối với dự án phát triển nhà ở xã hội không có trong chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của địa phương nhưng đã được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án thì được tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

- Trường hợp đã nhận bàn giao nhà ở thương mại từ chủ đầu tư nhưng đến ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực mà chưa nộp hồ sơ đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đối với nhà ở đó thì được chuyển nhượng hợp đồng mua bán nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

- Đối với nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị trước ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực thì các chủ sở hữu có thể tổ chức bầu lại Ban quản trị để hoạt động theo mô hình quy định tại Luật Nhà ở 2014 hoặc giữ nguyên mô hình để hoạt động đến hết nhiệm kỳ của Ban quản trị.

- Đối với trường hợp ký hợp đồng mua bán, hợp đồng thuê mua nhà ở trước ngày Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực mà các bên thỏa thuận về thời hạn bảo hành nhà ở, diện tích mua bán, thuê mua nhà ở khác với quy định của Luật Nhà ở 2014 thì các bên tiếp tục thực hiện theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký hoặc thỏa thuận lại theo quy định của Luật Nhà ở 2014.

4. Luật Nhà ở 2014 khi nào sẽ hết hiệu lực pháp luật?

Ngày 27/11/2023, Quốc Hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở 2023.

Căn cứ Điều 197 Luật Nhà ở 2023 thì Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực từ ngày 01/01/2025.

Luật Nhà ở 2014 hết hiệu lực kể từ ngày Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành (ngày 01/01/2025), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản 1, các điểm a, c, đ, e và g khoản 2, khoản 3, các điểm a, b, c, d, đ và e khoản 5 Điều 198 Luật Nhà ở 2023.

Nhà ở thuộc sở hữu nhà nước được quy định tại văn bản quy phạm pháp luật về nhà ở ban hành trước ngày Luật Nhà ở 2023 có hiệu lực thi hành là nhà ở thuộc tài sản công.

Tô Quốc Trình

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,371

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]