Trường hợp công việc phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng xây dựng thì xử lý thế nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
30/03/2024 16:45 PM

Xin cho tôi hỏi trường hợp công việc phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng xây dựng thì xử lý thế nào? - Chí Nhân (Đồng Tháp)

Trường hợp công việc phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng xây dựng thì xử lý thế nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Quy định về quản lý khối lượng thi công xây dựng như thế nào?

Căn cứ theo Điều 17 Nghị định 06/2021/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 35/2023/NĐ-CP) quy định về quản lý khối lượng thi công xây dựng như sau:

- Việc thi công xây dựng công trình phải được thực hiện theo hồ sơ thiết kế được duyệt.

-  Khối lượng thi công xây dựng được tính toán, xác nhận giữa người giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, nhà thầu thi công xây dựng theo thời gian hoặc giai đoạn thi công và được đối chiếu với khối lượng thiết kế được duyệt để làm cơ sở nghiệm thu, thanh toán theo hợp đồng.

- Khi có khối lượng phát sinh ngoài thiết kế, dự toán xây dựng công trình được duyệt thì chủ đầu tư, giám sát thi công xây dựng của chủ đầu tư, tư vấn thiết kế và nhà thầu thi công xây dựng phải xem xét để xử lý. Khối lượng phát sinh được chủ đầu tư hoặc người quyết định đầu tư chấp thuận, phê duyệt là cơ sở để thanh toán, quyết toán hợp đồng thi công xây dựng công trình.

- Nghiêm cấm việc khai khống, khai tăng khối lượng hoặc thông đồng giữa các bên tham gia dẫn đến làm sai khối lượng thanh toán.

2. Trường hợp công việc phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng xây dựng thì xử lý thế nào?

Tại Điều 37 Nghị định 37/2015/NĐ-CP (sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 50/2021/NĐ-CP) quy định điều chỉnh khối lượng công việc trong hợp đồng xây dựng, như sau:

- Các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận cụ thể về các trường hợp được điều chỉnh khối lượng, phạm vi và trình tự, thủ tục điều chỉnh khối lượng.

- Việc điều chỉnh khối lượng công việc trong hợp đồng xây dựng được quy định sau:

+ Đối với hợp đồng trọn gói: 

Trường hợp có phát sinh hợp lý những công việc ngoài phạm vi hợp đồng đã ký (đối với hợp đồng thi công xây dựng, hợp đồng cung cấp thiết bị là nằm ngoài phạm vi công việc phải thực hiện theo thiết kế; đối với hợp đồng tư vấn là nằm ngoài nhiệm vụ tư vấn phải thực hiện).

Trường hợp này, khi điều chỉnh khối lượng không làm vượt giá gói thầu được phê duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu tính toán, thỏa thuận và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng; 

Trường hợp vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định; 

Trường hợp thỏa thuận không được thì khối lượng các công việc phát sinh đó sẽ hình thành gói thầu mới, việc lựa chọn nhà thầu để thực hiện gói thầu này theo quy định hiện hành.

+ Đối với hợp đồng theo đơn giá cố định và đơn giá điều chỉnh: 

Bổ sung những khối lượng công việc hợp lý chưa có đơn giá trong hợp đồng nhưng không làm vượt giá gói thầu được phê duyệt thì chủ đầu tư và nhà thầu tính toán, thỏa thuận và ký kết phụ lục bổ sung hợp đồng; 

Trường hợp vượt giá gói thầu được phê duyệt thì phải được người có thẩm quyền quyết định đầu tư xem xét, quyết định; 

Các khối lượng công việc đã có đơn giá trong hợp đồng được xác định theo khối lượng hoàn thành thực tế (tăng hoặc giảm so với khối lượng trong hợp đồng đã ký) được nghiệm thu.

- Đối với những khối lượng phát sinh nằm ngoài phạm vi hợp đồng đã ký mà chưa có quy định về đơn giá hoặc phương pháp xác định đơn giá trong hợp đồng, các bên tham gia hợp đồng phải thỏa thuận, thống nhất đơn giá hoặc nguyên tắc, phương pháp xác định giá để thực hiện khối lượng công việc này trước khi thực hiện.

3. Tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng xây dựng trong trường hợp nào?

- Các tình huống được tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng, quyền được tạm dừng; trình tự thủ tục tạm dừng, mức đền bù thiệt hại do tạm dừng phải được bên giao thầu và bên nhận thầu thỏa thuận trong hợp đồng xây dựng.

- Các bên tham gia hợp đồng được tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng trong các trường hợp sau:

+ Bên giao thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng khi bên nhận thầu không đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, an toàn lao động và tiến độ theo hợp đồng đã ký kết.

+ Bên nhận thầu có quyền tạm dừng thực hiện hợp đồng xây dựng và kéo dài tiến độ thực hiện hợp đồng khi bên giao thầu vi phạm các thỏa thuận về thanh toán, cụ thể như: Không thanh toán đủ cho bên nhận thầu giá trị của giai đoạn thanh toán mà các bên đã thống nhất vượt quá 28 ngày kể từ ngày hết hạn thanh toán theo quy định tại khoản 10 Điều 19 Nghị định 37/2015/NĐ-CP, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác; không có bảo đảm thanh toán cho các khối lượng sắp được thực hiện.

- Trước khi một bên tạm dừng thực hiện công việc trong hợp đồng, thì phải thông báo cho bên kia biết bằng văn bản trước 28 ngày, trong đó nêu rõ lý do tạm dừng thực hiện; bên giao thầu, bên nhận thầu phải có trách nhiệm cùng thương lượng giải quyết để tiếp tục thực hiện đúng thỏa thuận hợp đồng đã ký kết, trừ trường hợp bất khả kháng.

Trường hợp, bên tạm dừng thực hiện hợp đồng không thông báo hoặc lý do tạm dừng không phù hợp với quy định của hợp đồng thì phải bồi thường thiệt hại cho phía bên kia.

(Điều 40 Nghị định 37/2015/NĐ-CP)

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 11,871

Bài viết về

lĩnh vực Xây dựng - Đô thị

Chính sách khác

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]