Nghỉ việc không báo trước, người lao động phải bồi thường những khoản nào?

Tham vấn bởi Luật sư Phạm Thanh Hữu
12/04/2024 08:45 AM

Xin cho tôi hỏi nghỉ việc không báo trước, người lao động phải bồi thường những khoản nào? - Ngọc Linh (Hải Dương)

Nghỉ việc không báo trước, người lao động phải bồi thường những khoản nào? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:

1. Nghỉ việc không báo trước, người lao động phải bồi thường những khoản nào?

Theo quy định, người lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động. Trường hợp không báo trước đúng với số ngày theo quy định của pháp luật, người lao động sẽ được coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật. 

Theo đó, người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật phải bồi thường cho người sử dụng dụng lao động theo Điều 40 Bộ luật Lao động 2019 những khoản sau:

- Nửa tháng tiền lương theo Hợp đồng lao động;

- Khoản tiền tương ứng với tiền lương theo hợp đồng lao động trong những ngày không báo trước;

Ngoài ra, người lao động sẽ không được trợ cấp thôi việc và phải hoàn trả cho người sử dụng lao động chi phí đào tạo theo quy định của pháp luật. 

Chi phí đào tạo bao gồm các khoản chi có chứng từ hợp lệ về chi phí trả cho người dạy, tài liệu học tập, trường, lớp, máy, thiết bị, vật liệu thực hành, các chi phí khác hỗ trợ cho người học và tiền lương, tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người học trong thời gian đi học. Trường hợp người lao động được gửi đi đào tạo ở nước ngoài thì chi phí đào tạo còn bao gồm chi phí đi lại, chi phí sinh hoạt trong thời gian đào tạo.

Tuy nhiên, theo khoản 2 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần báo trước trong các trường hợp sau đây:

- Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 Bộ luật Lao động 2019;

- Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 Bộ luật Lao động 2019;

- Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

- Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 Bộ luật Lao động 2019;

- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 Bộ luật Lao động 2019, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

- Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Bộ luật Lao động 2019 làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Như vậy, nếu không thuộc một trong các trường hợp nêu trên, người lao động nghỉ việc không báo trước sẽ bị coi là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật và phải bồi thường tiền cho người sử dụng dụng lao động. 

2. Người lao động nghỉ việc phải báo trước bao nhiêu ngày?

Cụ thể, tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 7 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

- Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

- Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

- Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

- Thời hạn báo trước với một số ngành, nghề, công việc đặc thù như: Thành viên tổ lái tàu bay; Nhân viên kỹ thuật bảo dưỡng tàu bay, nhân viên sửa chữa chuyên ngành hàng không; Nhân viên điều độ, khai thác bay; người quản lý doanh nghiệp;Thuyền viên thuộc thuyền bộ làm việc trên tàu Việt Nam đang hoạt động ở nước ngoài…

+ Ít nhất 120 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 12 tháng trở lên;

+ Ít nhất bằng một phần tư thời hạn của hợp đồng lao động đối với hợp đồng lao động có thời hạn dưới 12 tháng.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 1,812

Bài viết về

lĩnh vực Lao động - Tiền lương

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]