Đăng ký nghĩa vụ quân sự là gì? Trốn đăng ký nghĩa vụ có bị phạt?(Hình từ internet)
Xảy ra tình huống này là bởi, nhiều người vẫn còn đang nhầm lẫn việc đăng ký nghĩa vụ quân sự và thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Về thực hiện nghĩa vụ quân sự, tại điều 30 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về độ tuổi gọi nhập ngũ như sau:
- Công dân đủ 18 tuổi được gọi nhập ngũ; độ tuổi gọi nhập ngũ từ đủ 18 tuổi đến hết 25 tuổi; công dân được đào tạo trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Còn đăng ký nghĩa vụ quân sự là việc lập hồ sơ về nghĩa vụ quân sự của công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự. Nhằm thống kê được số công dân, tình hình gia đình và thể trạng sức khỏe cơ bản của công dân. Đây là việc lên danh sách từ trước và chưa phải thực hiện nghĩa vụ quân sự; khác hoàn toàn với lệnh gọi thực hiện nghĩa vụ quân sự là phải đủ 18 tuổi trở lên.
Căn cứ điều 12 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định về đối tượng đăng ký nghĩa vụ quân sự như sau
- Công dân nam đủ 17 tuổi trở lên.
- Công dân nữ quy định tại khoản 2 Điều 7 của Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 đủ 18 tuổi trở lên.
Ngoài ra, tại điều 16 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 có quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu như sau:
- Tháng một hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báo cáo Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện danh sách công dân nam đủ 17 tuổi trong năm và công dân nam trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự chưa đăng ký nghĩa vụ quân sự.
- Tháng tư hằng năm, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện ra lệnh gọi công dân quy định tại khoản 1 điều 16 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 để đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
- Công dân đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu phải trực tiếp đăng ký tại cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự quy định tại Điều 15 của Luật nghĩa vụ quân sự 2015.
Như vậy, các bạn học sinh đang học cấp 3 đặc biệt là những bạn nam lớp 12 nhận được giấy đăng ký nghĩa vụ quân sự là chuyện bình thường. Hãy đi đăng ký vì đây là nghĩa vụ bắt buộc được pháp luật quy định.
Căn cứ khoản 7 Điều 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP quy định về mức phạt hành vi trốn đăng kí nghĩa vụ quân sự như sau:
- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:
+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 1 Nghị định 37/2022/NĐ-CP;
+ Không thực hiện đăng ký phục vụ trong ngạch dự bị theo quy định;
+ Không đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung khi có sự thay đổi về chức vụ công tác, trình độ học vấn, trình độ chuyên môn, tình trạng sức khỏe và thông tin khác có liên quan đến nghĩa vụ quân sự theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự khi thay đổi nơi cư trú hoặc nơi làm việc, học tập theo quy định;
+ Không thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tạm vắng theo quy định.
Như vậy, hành vi trốn đăng ký nghĩa vụ có thể bị phạt lên đến 10 triệu đồng, ngoài ra, người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc thực hiện thủ tục đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
Nguyễn Minh Khôi