Hoàn thiện và thực thi pháp luật để phát triển xuất bản điện tử ở nước ta

17/02/2014 16:00 PM

Từ một điều quy định về xuất bản trên mạng Internet trong Luật Xuất bản năm 2004, Luật Xuất bản năm 2012 (sau đây gọi là Luật Xuất bản) đã phát triển thành một chương với tám điều để điều chỉnh lĩnh vực này.

Sự thay đổi đó phản ánh một bước tiến về nhận thức của giới chuyên môn nước ta về hoạt động xuất bản điện tử trước sự phát triển mạnh mẽ của loại hình này trong vòng 10 năm qua trên thế giới, đồng thời đáp ứng nhu cầu xây dựng hành lang pháp lý để phát triển hoạt động xuất bản điện tử ở nước ta.  


Ảnh minh họa (Nguồn: internet)

Mặc dù hiện nay mới chỉ có một số ít nhà xuất bản tại Việt Nam làm thí điểm sách điện tử và một số công ty tham gia hệ thống phân phối xuất bản phẩm điện tử toàn cầu nhưng triển vọng của hoạt động này là rất rõ.

Nguyên nhân trước hết là do ở nước ta số lượng người sử dụng Internet, số lượng các phương tiện điện tử rất lớn, phát triển với tốc độ rất nhanh và dịch vụ Internet rất thuận lợi.

Nguyên nhân thứ hai là bản thân tiện ích của Internet nói chung và xuất bản phẩm điện tử nói riêng. Số lượng bạn đọc báo điện tử áp đảo so với bạn đọc báo giấy hiện nay là minh họa rất rõ và báo hiệu sự phát triển mạnh mẽ số lượng người sử dụng xuất bản phẩm điện tử trong tương lai gần.

Xét về lợi ích xã hội, phát triển hoạt động xuất bản điện tử sẽ tạo điều kiện để thông tin đến với bạn đọc nhanh hơn, nhiều hơn, rộng rãi hơn, góp phần thỏa mãn đời sống tinh thần của người dân và xây dựng nền kinh tế tri thức.

Để thúc đẩy xu hướng phát triển hoạt động xuất bản điện tử, theo tôi, cần thực hiện một số biện pháp sau đây:

1. Nhanh chóng hoàn thiện các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xuất bản về lĩnh vực xuất bản điện tử.

Điều 52 Luật Xuất bản đã giao thẩm quyền rất rộng rãi để “Chính phủ quy định chi tiết hoạt động xuất bản và phát hành xuất bản phẩm điện tử phù hợp với từng giai đoạn phát triển công nghệ.” Bởi vậy, văn bản hướng dẫn thi hành Luật của Chính phủ có thể quy định chi tiết 2 loại vấn đề sau: 

a) Những vấn đề mới được Luật quy định một cách khái quát, cần được diễn giải cụ thể hơn. Ví dụ, về khái niệm xuất bản phẩm điện tử, khoản 9 Điều 4 quy định: “Xuất bản phẩm điện tử là xuất bản phẩm quy định tại các điểm a, c, d, đ khoản 4 Điều này được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử. Định nghĩa này hoàn toàn đúng nhưng không phải ai, kể cả những người làm việc trong lĩnh vực xuất bản, có thể hiểu một cách chính xác, nhất là khi chưa hiểu rõ thế nào là định dạng số. Không ít người quan niệm chỉ cần scan hoặc chụp một xuất bản phẩm đưa lên mạng thì đó đã là xuất bản điện tử. Văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần quy định một cách cụ thể để tránh những cách hiểu sai lệch như vậy, nhưng cũng cần đưa hành vi này vào diện xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trong trường hợp nó không được sự cho phép của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ tác phẩm.

b) Những vấn đề chưa được Luật quy định một cách đầy đủ, cần được bổ sung cho đầy đủ hơn. Ví dụ, toàn bộ quy định về nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử được thể hiện ở Điều 51 như sau: “Cơ sở phát hành nhập khẩu xuất bản phẩm điện tử để kinh doanh hoặc phổ biến phải được cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động xuất bản cấp giấy phép theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan.” Quy định này đúng nhưng chưa bao quát được hành vi phát hành xuất bản phẩm điện tử trên mạng từ các nhà xuất bản hoặc công ty phát hành nước ngoài. Văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần bổ sung quy định để điều chỉnh hành vi này. 

2. Trong số những quy định cần được cụ thể hóa và bổ sung, cần đặc biệt chú ý đến các quy định về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Trước hết, cần thay thế các cụm từ tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả ở các điều 46 và 50 bằng thuật ngữ chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ hoặc chủ sở hữu quyền tác giả, chủ sở hữu quyền liên quan bởi vì theo khoản 9 Điều 4 thì “xuất bản phẩm điện tử là xuất bản phẩm […] được định dạng số và đọc, nghe, nhìn bằng phương tiện điện tử”, tức là bao gồm các hình ảnh tĩnh và động, các âm thanh mà người trình bày, trình diễn, sản xuất có thể là nghệ sĩ, phát thanh viên hoặc nhà sản xuất băng ghi âm, ghi hình v.v...

Văn bản hướng dẫn thi hành Luật cũng cần diễn giải chặt chẽ hơn quy định tại khoản 3 Điều 46 (“Việc xuất bản, phát hành xuất bản phẩm điện tử quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này chỉ được thực hiện sau khi có văn bản chấp thuận của tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ.”) để đảm bảo quyền lợi cho nhà xuất bản trong trường hợp tác giả hoặc chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ tự ý cho đưa lên mạng tác phẩm in trái với thỏa thuận trong hợp đồng xuất bản tác phẩm in.

Khoản 3 Điều 48 cũng là một khoản cần được giải thích chu đáo hơn. Đối với tác phẩm in, việc thư viện sử dụng bản nộp lưu chiểu phục vụ bạn đọc không ảnh hưởng đến quyền sở hữu trí tuệ vì số bản nộp lưu chiểu có hạn. Nhưng đối với xuất bản phẩm điện tử, nếu Thư viện Quốc gia Việt Nam có quyền “sử dụng xuất bản phẩm điện tử vào việc phục vụ bạn đọc” thì ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ và nhà xuất bản có thể rất lớn. Văn bản hướng dẫn thi hành Luật cần quy định Thư viện Quốc gia Việt Nam chỉ được sử dụng đúng số lượng xuất bản phẩm điện tử nộp lưu chiểu và phải có biện pháp kỹ thuật phù hợp với quy định của cơ quan quản lý nhà nước để ngăn chặn sao chép, can thiệp bất hợp pháp vào nội dung xuất bản phẩm. 

3. Để phát triển hoạt động xuất bản điện tử ở nước ta, cơ quan quản lý nhà nước cần tổ chức tốt việc hướng dẫn thi hành Luật và các giải pháp kỹ thuật cho các nhà xuất bản, các đơn vị phát hành, trong đó có giải pháp kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm nhằm thu hút người sử dụng. Có thể thành lập hoặc khuyến khích tổ chức, cá nhân thành lập các đơn vị tư vấn trong lĩnh vực này. 

4. Cuối cùng, cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm để bảo đảm Luật được thi hành nghiêm chỉnh, tạo điều kiện phát triển hoạt động xuất bản điện tử.

GS.TS Nguyễn Minh Thuyết

Theo Mic.gov.vn

“Theo một số liệu báo cáo mà ngành xuất bản thống kê dựa theo tài liệu từ 12 nhà xuất bản chính của Mỹ, doanh số sách điện tử quý I/2009 của nước này là 53,5 triệu USD, đến quý I/2010 đã là 165 triệu USD, tăng gấp ba lần so với cùng kỳ năm trước. Ở Hàn Quốc, năm 2010, doanh số sách điện tử đạt 197,5 triệu USD, năm 2011 đạt 289,1 triệu USD. Dự kiến đến năm 2013 đạt 583,8 triệu USD, tức gấp ba lần 2010. Một thống kê khác của hãng bán lẻ trực tuyến Amazon cho thấy, vào tháng 7/2010, cứ 100 cuốn sách in bán ra thì có 143 cuốn sách điện tử bán ra tương ứng. Song song đó, lượng thiết bị đọc sách điện tử bán ra trên phạm vi toàn cầu trong năm 2010 đã tăng 79,8% so với năm 2009.” (Trung Nguyễn. Sách điện tử và tương lai của ngành xuất bản. Báo Nhân Dân, 3/8/2012).

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 3,353

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]