Báo cáo tổng kết của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội cho hay, tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn thủ đô còn tồn tại 20 tụ điểm mại dâm, trong đó 7 tụ điểm mại dâm công cộng, 13 tụ điểm trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm.
Nhận định về hoạt động phòng chống tệ nạn năm 2014, Sở này ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực , tuy nhiên, vẫn phải nhìn nhận tệ nạn mại dâm vẫn còn diễn biến phức tạp, các phương thức hoạt động ngày càng tinh vi và khó kiểm soát.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội đề nghị tăng mức xử phạt người mua dâm
Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Thủ đô hiện có 5.450 cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ bị lợi dụng để hoạt động mại dâm, trong đó có 3 vũ trường, 53 cơ sở kinh doanh bar rượu có nhạc mạnh, 1.208 cơ sở kinh doanh karaoke, 1.016 khách sạn, 2.135 nhà nghỉ và 805 cơ sở masage, cơ sở tẩm quất, bấm huyệt… Đặc biệt, Hà Nội còn có khoảng 3.000 người hoạt động mại dâm với nhiều hình thức khác nhau.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Hà Nội cũng cho rằng, Nghị quyết 24 của Quốc hội về thi hành Luật xử lý vi phạm hành chính quy định không áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở chữa bệnh với người bán dâm mà chỉ xử phạt hành chính khiến hiệu quả răn đe với người bán dâm không cao, thậm chí chỉ là “phạt để tồn tại”. Vì thế, trong Hội nghị Tổng kết 10 năm Pháp lệnh Phòng, chống mại dâm vừa qua, các đơn vị liên quan đã đưa ra đề xuất thay thế Pháp lệnh phòng, chống mại dâm bằng Luật phòng, chống mại dâm.
Bên cạnh đó, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề xuất sửa đổi khái niệm bán dâm, tăng mức phạt hành chính đối với người mua dâm; ban hành các quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho người bán dâm có tính khả thi cao…
Liên quan đến việc phòng chống tệ nạn mại dâm, đã có nhiều cơ quan đề xuất việc công khai danh tính của người mua dâm, tuy nhiên, cho đến thời điểm hiện tại thì đề xuất này vẫn chưa được xem xét.
Trao đổi với phóng viên Báo Giao thông trước đó, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nhấn mạnh, việc công khai danh tính người mua dâm trong quy định hiện hành còn liên quan đến rất nhiều điều luật khác. Vì vậy, việc này phải được cân nhắc, bàn bạc kỹ lưỡng thì mới quyết định được. “Trước mắt, với những người có hành vi mua dâm, khi chúng ta phát hiện cần phải xử lý nghiêm, thậm chí, mức xử phạt đối với các đối tượng mua dâm cần tăng nặng hơn để mang tính răn đe” – Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền đề xuất.
Hoài Thu