Đề xuất sửa Nghị định 132/2020 về chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Tham vấn bởi Luật sư Nguyễn Thụy Hân
Chuyên viên pháp lý Dương Châu Thanh
13/11/2023 14:58 PM

Nhiều doanh nghiệp mong sớm sửa quy định chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Vậy khi nào sửa Nghị định 132/2020 về giao dịch liên kết?

Đề xuất sửa Nghị định 132/2020 về giao dịch liên kết

Đề xuất sửa quy định chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết (Hình từ internet)

Đề xuất sửa Nghị định 132/2020 về giao dịch liên kết

Tại Nghị quyết 105/NQ-CP năm 2023 về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, siết chặt kỷ luật, kỷ cương do Chính phủ ban hành, có đề cập nội dung:

“Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi Nghị định số 132/2020/NĐ-CP ngày 05 tháng 11 năm 2020, tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp sản xuất liên quan đến quy định quản lý thuế đối với giao dịch có liên kết, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong Quý IV năm 2023.

Như vậy, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa Nghị định 132/2020 để tháo gỡ vướng mắc về chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.

Mới đây, Tổng cục Thuế cũng cho biết cơ quan này đã xây dựng dự thảo báo cáo tổng kết việc thi hành Nghị định 132/2020 và hoàn thiện hồ sơ để báo cáo Bộ Tài chính xin ý kiến các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan.

Sau khi tổng hợp ý kiến tham gia của các bộ, ngành và các cơ quan có liên quan, Tổng cục Thuế sẽ trình Bộ Tài chính báo cáo Chính phủ theo đúng trình tự quy định, từ đó triển khai đúng yêu cầu tiến độ như yêu cầu của Chính phủ.

Quy định về chi phí lãi vay với doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Hiện hành, tại khoản 3 Điều 16 Nghị định 132/2020 quy định tổng chi phí lãi vay được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết:

(1) Tổng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ của người nộp thuế;

(2) Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định tại khoản (1) được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định tại khoản (1).

Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ;

(3) Quy định tại khoản (1) không áp dụng với các khoản vay của người nộp thuế là tổ chức tín dụng theo Luật Các tổ chức tín dụng; tổ chức kinh doanh bảo hiểm theo Luật Kinh doanh bảo hiểm; các khoản vay vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), vay ưu đãi của Chính phủ thực hiện theo phương thức Chính phủ đi vay nước ngoài cho các doanh nghiệp vay lại; các khoản vay thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia (chương trình nông thôn mới và giảm nghèo bền vững); các khoản vay đầu tư chương trình, dự án thực hiện chính sách phúc lợi xã hội của Nhà nước (nhà ở tái định cư, nhà ở công nhân, sinh viên, nhà ở xã hội và dự án phúc lợi công cộng khác);

(4) Người nộp thuế kê khai tỷ lệ chi phí lãi vay trong kỳ tính thuế theo Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 132/2020.

 

Nội dung nêu trên là phần giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng của THƯ VIỆN PHÁP LUẬT. Nếu quý khách còn vướng mắc, vui lòng gửi về Email [email protected].

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 6,936

Bài viết về

lĩnh vực Thuế - Phí - Lệ Phí

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]