1. Chế độ kế toán cho doanh nghiệp siêu nhỏ
Kể từ năm tài chính bắt đầu hoặc sau ngày 01/4/2019, các doanh nghiệp siêu nhỏ sẽ thực hiện chế độ kế toán theo quy định tại Thông tư 132/2018/TT-BTC của Bộ Tài chính; theo đó:
Các doanh nghiệp siêu nhỏ không bắt buộc phải bố trí người làm Kế toán trưởng; nếu có bố trí thì doanh nghiệp vẫn được phép thuê dịch vụ làm Kế toán trưởng.
Các doanh nghiệp siêu nhỏ là đối tượng nộp thuế TNDN tính theo tỷ lệ % trên doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì không bắt buộc phải lập báo cáo tài chính nộp cho cơ quan thuế.
Doanh nghiệp siêu nhỏ có quyền lựa chọn áp dụng chế độ kế toán cho doanh nghiệp mình theo quy định của Thông tư 132 hoặc Thông tư 133/2016/TT-BTC về chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Thông tư 132 có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.
2. Điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH
Thông tư 35/2018/TT-BLĐTBXH quy định về mức điều chỉnh tiền lương và thu nhập tháng đã đóng BHXH bắt đầu có hiệu lực từ ngày 15/02/2019; theo đó:
Mức điều chỉnh tiền lương tháng đã đóng BHXH bắt buộc của NLĐ theo chế độ tiền lương nhà nước và theo chế độ tiền lương do NSDLĐ quyết định sẽ thực hiện theo quy định tại Bảng 1 Điều 2.
Mức điều chỉnh thu nhập tháng đã đóng BHXH tự nguyện của đối tượng tham gia BHXH tự nguyện sẽ thực hiện theo quy định tại Bảng 2 Điều 3.
Các mức điều chỉnh nêu trên được áp dụng từ ngày 01/01/2019.
3. Điều kiện cho vay đầu tư ra nước ngoài
Thông tư 36/2018/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay để đầu tư ra nước ngoài của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (sau đây gọi chung là “Tổ chức tín dụng”) đối với khách hàng có hiệu lực từ ngày 15/02/2019.
Theo đó, Tổ chức tín dụng xem xét, quyết định cho vay để đầu tư ra nước ngoài khi khách hàng đáp ứng các điều kiện sau:
- Là cá nhân (gồm cá nhân là thành viên hoặc người đại diện được ủy quyền của hộ gia đình, tổ hợp tác và tổ chức khác không có tư cách pháp nhân) từ đủ 18 tuổi trở lên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ theo quy định của pháp luật;
Hoặc, khách hàng là pháp nhân có năng lực pháp luật dân sự theo quy định của pháp luật.
- Đã được cấp GCN đăng ký đầu tư ra nước ngoài và hoạt động đầu tư đã được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép;
Nếu pháp luật của nước tiếp nhận đầu tư không quy định về việc cấp phép đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư, nhà đầu tư phải có tài liệu chứng minh quyền hoạt động đầu tư tại nước tiếp nhận đầu tư.
- Có dự án, phương án đầu tư ra nước ngoài được Tổ chức tín dụng đánh giá là khả thi và khách hàng có khả năng trả nợ tổ chức tín dụng.
- Có 2 năm liên tiếp không phát sinh nợ xấu tính đến thời điểm đề nghị vay vốn.
4. Huấn luyện và diễn tập về phòng thủ dân sự tại địa phương
Nghị định 02/2019/NĐ-CP quy định về việc huấn luyện, diễn tập phòng thủ dân sự (PTDS) cho các đối tượng không thuộc các lực lượng PTDS sự tại cấp tỉnh, huyện, xã và cơ quan, tổ chức được thực hiện như sau:
- Sinh viên, học viên, học sinh đào tạo trong các học viện, nhà trường, cơ quan đoàn thể ở các cấp: Thời gian huấn luyện về PTDS được lồng ghép thực hiện trong chương trình giáo dục QP - AN của từng năm học.
- Cán bộ, đảng viên, công chức, chức sắc, chức việc tôn giáo học tập về PTDS được lồng ghép thực hiện trong chương trình bồi dưỡng kiến thức QP - AN, thời gian ít nhất 05% tổng số thời gian bồi dưỡng kiến thức quốc phòng của từng đối tượng.
- Các bộ, ngành TW, địa phương, cơ quan, đơn vị tổ chức diễn tập phòng thủ dân sự 01 lần/05 năm; lồng ghép nội dung diễn tập phòng, chống ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn vào diễn tập PTDS.
Nghị định 02/2019/NĐ-CP sẽ có hiệu lực từ ngày 16/02/2019.