Nội dung đề cập tại Nghị định 31/2023/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt, có hiệu lực từ ngày 28/7/2023.
Theo đó, mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) đối với cá nhân là 50.000.000 đồng.
Mức phạt tiền tối đa cho một hành vi vi phạm hành chính về phân bón đối với cá nhân là 100.000.000 đồng.
Mức phạt tiền quy định tại chương II, chương III của Nghị định 31/2023/NĐ-CP là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân.
Mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân.
Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về Trồng trọt là 01 năm. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính là 02 năm trong các trường hợp sau:
- Vi phạm hành chính về bảo hộ quyền đối với giống cây trồng.
- Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu giống cây trồng.
- Vi phạm hành chính về sản xuất, buôn bán, xuất khẩu, nhập khẩu phân bón.
Nội dung được sửa đổi tại Thông tư 12/2023/TT-BCT sửa đổi Thông tư 10/2018/TT-BCT hướng dẫn Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.
Theo đó, hình thức kiểm tra và đánh giá kết quả kiểm tra kiến thức pháp luật bán hàng đa cấp gồm:
- Bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, kiến thức cho đầu mối tại địa phương được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối thiểu 60 phút.
- Điểm kiểm tra được chấm theo thang điểm 100, yêu cầu cụ thể như sau:
+ Đối với bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp, bài kiểm tra dưới 80 điểm đối với hình thức trắc nghiệm hoặc dưới 65 điểm đối với hình thức tự luận là không đạt yêu cầu.
+ Đối với bài kiểm tra kiến thức cho đầu mối tại địa phương, bài kiểm tra dưới 70 điểm đối với hình thức trắc nghiệm hoặc dưới 50 điểm đối với hình thức tự luận là không đạt yêu cầu.
(Trong khi đó, tại Thông tư 10/2018/TT-BCT quy định:
+ Bài kiểm tra kiến thức pháp luật về bán hàng đa cấp được thực hiện dưới hình thức tự luận hoặc trắc nghiệm trong thời gian tối thiểu 60 phút.
+ Điểm kiểm tra được chấm theo thang điểm 100, bài thi dưới 90 điểm đối với hình thức thi trắc nghiệm và dưới 75 điểm đối với hình thức thi tự luận là không đạt yêu cầu.)
Thông tư 36/2023/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành, có hiệu lực từ ngày 21/7/2023.
Theo đó, mức thu phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) được quy định như sau:
- Trường hợp cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 60.000 đồng/bộ C/O.
- Trường hợp cấp lại giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa: 30.000 đồng/bộ C/O.
Người nộp phí chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) là thương nhân đề nghị cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa quy định tại khoản 17 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP , có hồ sơ đề nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH về Danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng, có hiệu lực từ ngày 30/7/2023.
Trong đó, đã bổ sung một số ngành nghề học vào Danh mục ngành nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng.
Đơn cử bổ sung mã 52102 (Nghệ thuật trình diễn) đối với trình độ trung cấp, gồm các mã cấp IV:
+ Mã 5210201: Nghệ thuật biểu diễn ca kịch Huế;
+ Mã 5210202: Nghệ thuật biểu diễn dân ca;
+ Mã 5210203: Nghệ thuật biểu diễn chèo;
+ Mã 5210204: Nghệ thuật biểu diễn tuồng;
+ Mã 5210205: Nghệ thuật biểu diễn cải lương;
+ Mã 5210206: Nghệ thuật biểu diễn kịch múa;
+ Mã 5210207: Nghệ thuật biểu diễn múa dân gian dân tộc;…
Xem chi tiết nội dung tại Thông tư 05/2023/TT-BLĐTBXH .