1. Đẩy mạnh ngăn chặn việc trục lợi từ quỹ BHYT
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị quyết 117/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2017.
Theo đó, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế phấn đấu hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch năm 2017 trong 2 tháng cuối năm, trong đó tập trung thực hiện những nội dung sau:
- Có giải pháp ngăn chặn việc lạm dụng, trục lợi từ quỹ bảo hiểm y tế;
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm;
- Chỉ đạo kiểm soát chặt chẽ các phòng khám tư nhân, phòng khám có bác sĩ là người nước ngoài;
- Phối hợp với Bộ Công an có biện pháp bảo đảm an toàn cho cán bộ y tế tại các bệnh viện.
Ngoài ra, Chính phủ còn yêu cầu thực hiện một số nội dung như:
- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát, phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả.
- Hoàn thiện dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành các Luật có hiệu lực từ ngày 01/01/2018 và các Thông tư hướng dẫn còn nợ đọng.
Xem thêm nội dung chỉ đạo tại Nghị quyết 117/NQ-CP ngày 09/11/2017.
2. Xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng giả dịp Tết Nguyên đán 2018
Bộ Công Thương ban hành Chỉ thị 14/CT-BCT về thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2017 và dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018.
Theo đó, đề nghị các đơn vị thuộc Bộ chủ động có giải pháp điều hành sản xuất, kinh doanh đồng bộ, phù hợp với diễn biến thị trường, nghiêm túc thực hiện các công việc sau:
- Xử lý nghiêm việc kinh doanh hàng giả, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm và gian lận trong thương mại.
- Tổ chức tốt việc cung ứng xăng dầu đáp ứng nhu cầu sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng, đặc biệt trong dịp Tết.
- Kết hợp triển khai các Chương trình xúc tiến thương mại thị trường trong nước, thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.
- Tăng cường giám sát, bảo đảm chất lượng hàng hóa, phát hiện và xử lý kịp thời các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, không đúng quy định gây thiệt hại cho người tiêu dùng.
- Chấp hành quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, chú trọng các mặt hàng phục vụ Tết như rượu, bia, bánh mứt kẹo.
Xem nội dung chi tiết tại Chỉ thị 14/CT-BCT ban hành ngày 07/11/2017.
3. 06 trường hợp người bị tạm giữ, tạm giam không được tiếp xúc lãnh sự
Ngày 06/11/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 120/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật thi hành tạm giữ, tạm giam.
Theo đó, người bị tạm giữ, tạm giam là người nước ngoài không được giải quyết tiếp xúc lãnh sự trong 06 trường hợp sau:
- Từ chối việc tiếp xúc lãnh sự;
- Vì lý do khẩn cấp để đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn cơ sở giam giữ;
- Khi có dịch bệnh xảy ra tại cơ sở giam giữ;
- Khi cấp cứu hoặc đang mắc bệnh truyền nhiễm nhóm A;
- Vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ, đang bị kỷ luật;
- Người đến tiếp xúc lãnh sự vi phạm Nội quy cơ sở giam giữ;
Nghị định 120/2017/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.
4. Điều kiện trở thành thành viên của Tổ điều tra tai nạn hàng hải
Nội dung này được quy định tại Thông tư 39/2017/TT-BGTVT sửa đổi Thông tư 34/2015/TT-BGTVT quy định về báo cáo và điều tra tai nạn hàng hải.
Theo đó, thành viên Tổ điều tra tai nạn hàng hải phải đáp ứng các điều kiện cụ thể sau:
- Là thuyền trưởng, máy trưởng, kỹ sư các chuyên ngành điều khiển tàu biển, vận hành máy tàu biển, khai thác máy tàu biển, đóng tàu, điện và điện tự động tàu thủy, luật hàng hải hoặc ngành nghề tương đương;
- Có thời gian kinh nghiệm thực tế với ngành nghề đã học tối thiểu 05 năm;
- Đã qua các khóa tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ về điều tra tai nạn hàng hải.
Thông tư 39/2017/TT-BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/01/2018.