1. Năm 2018: Giảm hơn 4.500 biên chế công chức hưởng lương từ NSNN
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 172/QĐ-TTg về phê duyệt biên chế công chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước năm 2018, có hiệu lực từ ngày 02/02/2018.
Theo đó, tổng biên chế công chức năm 2018 là 264.420 biên chế (giảm 4.664 biên chế so với năm 2017). Cụ thể:
- Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức do Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ thành lập mà không phải là đơn vị sự nghiệp công lập: 107.392 biên chế;
- Các cơ quan, tổ chức hành chính thuộc cơ quan của HĐND, UBND cấp tỉnh, cấp huyện: 155.161 biên chế;
- Các cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài: 1.068 biên chế;
- Biên chế công chức dự phòng: 799 biên chế.
Số lượng trên không bao gồm biên chế của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng; công chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập và cán bộ, công chức cấp xã.
2. Bãi bỏ toàn bộ 14 văn bản QPPL từ ngày 20/3/2018
Đây là nội dung nổi bật được ban hành tại Thông tư 01/2018/TT-BTP về bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực ngày 20/3/2018.
Theo đó, bãi bỏ toàn bộ 14 văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực hành chính, dân sự, … bao gồm:
- Thông tư 04/1999/TT-BTP ngày 11/01/1999;
- Thông tư 07/2002/TT-BTP ngày 16/12/2002;
- Quyết định 1145/2005/QĐ-BTP ngày 18/05/2005 ;
- Thông tư 06/2005/TT-BTP ngày 24/6/2005;
- Thông tư liên tịch 08/2005/TTLT-BTP-BTC ngày 16/9/2005;
- Thông tư liên tịch 01/2006/TTLT-BTP-BNV-BTC ngày 23/5/2006;
- Thông tư liên tịch 05/2006/TTLT-BTP-BCA ngày 29/8/2006;
- Thông tư liên tịch 01/2007/TTLT-BTP-BNV ngày 29/3/2007;
- Thông tư liên tịch 09/2008/TTLT-BTP-BNV-BTC ngày 27/11/ 2008;
- Thông tư liên tịch 09/2010/TTLT-BTP-BTC-BNV ngày 04/5/2010;
- Thông tư liên tịch 11/2010/TTLT-BTP-BNV ngày 17/6/2010;
- Thông tư 05/2014/TT-BTP ngày 07/02/2014;
- Thông tư 19/2014/TT-BTP ngày 15/9/2014;
- Thông tư 25/2014/TT-BTP ngày 31/12/2014.
3. Tiếp tục đổi mới, tinh gọn hệ thống bộ máy chính trị
Nghị quyết 10/NQ-CP ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Theo đó, để thực hiện Chương trình hành động, Chính phủ yêu cầu:
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có trách nhiệm:
+ Trong quý I năm 2018 xây dựng và ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 18-NQ/TW, Kế hoạch 07-KH/TW và Nghị quyết 56/2017/QH14 ngày 24/11/2017;
+ Chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình này và kế hoạch thực hiện của bộ, cơ quan, địa phương mình;
+ Báo cáo định kỳ hàng năm kết quả thực hiện.
- Bộ Tư pháp cùng với cơ quan liên quan xây dựng Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh bổ sung năm 2018, 2019 và các năm tiếp theo để tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy chính trị.
Nghị quyết 10/NQ-CP có hiệu lực ngày 03/02/2018.
4. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với phụ gia thực phẩm
Đây là nội dung đáng chú ý tại Nghị định 15/2018/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật an toàn thực phẩm.
Theo đó, cơ sở sản xuất, kinh doanh phụ gia thực phẩm phải đáp ứng các điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm sau:
- Đáp ứng các quy định chung về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định.
- Chỉ được phối trộn các phụ gia thực phẩm thuộc danh mục các chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm do BYT quy định và sản phẩm cuối cùng không gây ra bất cứ tác hại nào với sức khỏe con người;
Trường hợp tạo ra một sản phẩm mới, có công dụng mới phải chứng minh công dụng, đối tượng sử dụng và mức sử dụng tối đa.
- Việc sang chia, san, chiết phụ gia thực phẩm phải được thực hiện tại cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và ghi nhãn theo quy định hiện hành.
Nghị định 15/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/02/2018.