1. Quy định mới về lương tối thiểu vùng áp dụng từ 01/01/2018
Đây là nội dung nổi bật tại Nghị định 141/2017/NĐ-CP (có hiệu lực từ 25/01/2017) quy định mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc theo hợp đồng lao động.
Theo đó, từ ngày 01/01/2018, lương tối thiểu vùng tăng thêm từ 180.000 - 230.000 đồng/tháng, cụ thể như sau:
Vùng I là 3.980.000 đồng/tháng, vùng II là 3.530.000 đồng/tháng, vùng III là 3.090.000 đồng/tháng, vùng IV là 2.760.000 đồng/tháng.
Bên cạnh đó, Nghị định 141/2017/NĐ-CP còn điều chỉnh phân vùng đối với một số huyện, thị xã:
- Từ vùng III lên vùng II: Huyện Thống nhất thuộc tỉnh Đồng Nai, Huyện Thủ Thừa tỉnh Long An, Thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam;
- Từ vùng II lên vùng I: thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.
2. Điều chỉnh tăng lương cơ sở, lương hưu, trợ cấp BHXH từ 1/7/2018
Vừa qua, Quốc hội ban hành Nghị quyết 49/2017/QH14 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2018.
Theo đó, giao Chính phủ thực hiện các công việc sau đây:
- Điều chỉnh mức lương cơ sở từ 1,3 triệu đồng/tháng lên 1,39 triệu đồng/tháng;
- Đồng thời điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội trợ cấp hàng tháng theo quy định (đối tượng do ngân sách nhà nước đảm bảo) và trợ cấp ưu đãi người có công tăng bằng mức tăng lương cơ sở.
Thời điểm thực hiện từ ngày 01 tháng 7 năm 2018.
Nghị quyết 49/2017/QH14 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội Khóa XIV ngày 13/11/2017.
3. Không tính nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp nhà nước vào nợ công
Luật số 20/2017/QH14 – Luật quản lý nợ công 2017 quy định về hoạt động vay, sử dụng vốn vay, trả nợ và nghiệp vụ quản lý nợ công được Quốc hội thông qua vào ngày 23/11/2017.
Theo đó, phạm vi nợ công bao gồm: nợ Chính phủ, nợ được Chính phủ bảo lãnh và nợ chính quyền địa phương.
Như vây, sau lần sửa đổi này thì các khoản nợ tự vay, tự trả của doanh nghiệp vẫn không được tính vào nợ công.
Ngoài ra, luật mới ban hành cũng hướng dẫn việc thực hiện chi trả các khoản nợ của ngân sách nhà nước, cụ thể như sau:
- Chi trả lãi, phí và chi phí khác phát sinh từ các khoản nợ theo dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được cấp có thẩm quyền quyết định;
- Bảo đảm nguồn bội thu, tăng thu so với dự toán, tiết kiệm chi, kết dư ngân sách nhà nước và các nguồn hợp pháp khác để trả các khoản nợ gốc đầy đủ, đúng hạn;
- Vay mới để trả nợ gốc phải nằm trong tổng mức vay của ngân sách nhà nước hằng năm được Quốc hội quyết định.
Luật Quản lý nợ công 2017 có hiệu lực từ ngày 01/07/2018.
4. 5 phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt
Quốc hội khóa XIV vừa thông qua Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 tại kỳ họp thứ 4, trong đó nổi bật là quy định mới về phương án cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt.
5 phương án cơ cấu lại các TCTD được kiểm soát đặc biệt gồm có:
- Phương án phục hồi;
- Phương án sáp nhập, hợp nhất, chuyển nhượng toàn bộ cổ phần, phần vốn góp;
- Phương án giải thể;
- Phương án chuyển giao bắt buộc;
- Phương án phá sản.
Ngoài ra, quy định mới còn bổ sung trường hợp thu hồi Giấy phép của TCTD, cụ thể như sau:
Ngoài các trường hợp bị chia, tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể, phá sản như hiện hành thì Ngân hàng Nhà nước sẽ thu hồi Giấy phép hoạt động của TCTD khi TCTD chuyển đổi hình thức pháp lý.
Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi 2017 có hiệu lực từ ngày 15/01/2018.