1. Dự kiến sửa đổi Luật bảo hiểm xã hội vào năm 2019
Đây là nội dung được đề cập tại Nghị quyết 137/NQ-CP về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 về công tác dân số trong tình hình mới.
Theo đó, Bộ LĐ-TB&XH căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao tiến hành nghiên cứu, xây dựng, trình Quốc Hội dự án sửa đổi, bổ sung (sửa đổi) đối với Luật Bảo hiểm xã hội vào năm 2019.
Ngoài ra trong năm 2019, một số văn bản quan trọng cũng được trình sửa đổi bổ sung như sau:
- Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế;
- Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan tiến hành sửa đổi, bổ sung Bộ luật lao động.
Nghị quyết 137/NQ-CP có hiệu lực từ ngày 31/12/2017.
2. Một số lưu ý khi áp dụng BLHS 2015
Đây là nội dung đáng chú ý tại Công văn 04/TANDTC-PC về việc áp dụng Bộ luật Hình sự (BLHS) 2015 và Nghị quyết 41/2017/QH14 của Quốc hội.
Theo đó, kể từ ngày 01/01/2018 (ngày BLHS 2015 có hiệu lực thi hành), khi xét xử và thi hành án hình sự thì TAND các cấp cần lưu ý một số vấn đề, đơn cử như:
- Tất cả các điều khoản của BLHS 2015 được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án với người thực hiện hành vi phạm tội từ 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018.
- Đối với những hành vi phạm tội đã có bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật trước 0 giờ 00 phút ngày 01/01/2018 thì:
+ Không được căn cứ vào những quy định của BLHS 2015 có nội dung khác so với các điều luật đã được áp dụng khi tuyên án để kháng nghị giám đốc thẩm;
+ Đối với trường hợp kháng nghị dựa vào căn cứ khác hoặc đã kháng nghị trước ngày 01/01/ 2018 thì việc xét xử giám đốc thẩm phải tuân theo quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều 2 của Nghị quyết số 41.
Xem thêm chi tiết tại Công văn 04/TANDTC-PC ngày 09/01/2018.
3. Các hành vi bị nghiêm cấm khi TCTD giải thể, thanh lý tài sản
Ngày 29/12/2017, Ngân hàng nhà nước ban hành Thông tư 24/2017/TT-NHNN về trình tự, thủ tục thu hồi Giấy phép và thanh lý tài sản của tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Theo đó, kể từ ngày cơ quan nhà nước thông qua việc giải thể hoặc Thống đốc Ngân hàng Nhà nước có văn bản yêu cầu thanh lý tài sản thì nghiêm cấm tổ TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện các hành vi sau:
- Cất giấu, tẩu tán tài sản.
- Từ bỏ hoặc giảm bớt quyền đòi nợ.
- Chuyển các khoản nợ không có bảo đảm thành các khoản nợ có bảo đảm bằng tài sản của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
- Cầm cố, thế chấp, tặng cho và cho thuê tài sản.
- Ký kết thỏa thuận, hợp đồng mới trừ các thỏa thuận, hợp đồng nhằm thực hiện chấm dứt hoạt động.
- Chuyển tiền, tài sản ra nước ngoài.
Thông tư 24/2017/TT-NHNN có hiệu lực kể từ ngày 26/02/2018.
4. Điều kiện để được hỗ trợ ăn trưa của trẻ em mẫu giáo
Nghị định 06/2018/NĐ-CP về quy định chính sách hỗ trợ ăn trưa đối với trẻ em mẫu giáo và chính sách đối với giáo viên mầm non.
Theo đó, trẻ em đang học tại lớp mẫu giáo trong các cơ sở giáo dục mầm non bảo đảm một trong những điều kiện sau sẽ được hỗ trợ 10% mức lương cơ sở/trẻ/tháng:
- Có cha mẹ hoặc có cha hoặc có mẹ hoặc có người chăm sóc trẻ em hoặc trẻ em thường trú ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số và miền núi, các xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển, hải đảo theo quy định của pháp luật.
- Không có nguồn nuôi dưỡng được quy định khoản 1 Điều 5 Nghị định 136/2013/NĐ-CP .
- Là nhân khẩu trong gia đình thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo theo quy định của pháp luật.
Nghị định 06/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20/02/2018.