1. Phạt đến 05 triệu đồng khi ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ, mực phai màu
Đây là nội dung mới nổi bật về phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán tại Nghị định 41/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.
Theo đó, cá nhân có hành vi ký chứng từ kế toán bằng mực đỏ, mực phai màu sẽ bị phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng.
Mức phạt nêu trên cũng áp dụng đối với các hành vi vi phạm sau:
- Mẫu chứng từ kế toán không có đầy đủ các nội dung chủ yếu theo quy định;
- Tẩy xóa, sửa chữa chứng từ kế toán;
- Ký chứng từ kế toán bằng đóng dấu chữ ký khắc sẵn;
- Chứng từ chi tiền không ký theo từng liên.
2. Những loại hàng hóa không được kinh doanh đa cấp
Ngày 12/3/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 40/2018/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp.
Theo đó, những loại hàng hóa không được kinh doanh theo phương thức đa cấp bao gồm:
- Thuốc, trang thiết bị y tế, các loại thuốc thú y (bao gồm cả thuốc thú y thủy sản);
- Thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn hạn chế sử dụng và cấm sử dụng trong lĩnh vực gia dụng và y tế và các loại hóa chất nguy hiểm;
- Sản phẩm nội dung thông tin số.
Nghị định 40/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 02/5/2018.
3. Nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản
Nghị định 29/2018/NĐ-CP (có hiệu lực từ ngày 05/3/2018) quy định nguyên tắc xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản như sau:
- Phải được lập thành văn bản; đúng trình tự, thủ tục theo quy định của pháp luật trên cơ sở bảo vệ quyền lợi của Nhà nước, tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức và cá nhân có liên quan.
- Việc quản lý nhà nước đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện thống nhất, có phân công, phân cấp rõ thẩm quyền, trách nhiệm của từng cơ quan.
- Việc xác định giá trị và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện theo cơ chế thị trường.
- Việc xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện công khai, minh bạch; mọi hành vi vi phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh theo quy định của pháp luật.
4. Các biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa
Nghị định 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa chính thức có hiệu lực từ ngày 08/3/2018.
Theo đó, Nghị định quy định các biện pháp chống gian lận xuất xứ hàng hóa sau đây:
- Tạm dừng cấp GCN xuất xứ hàng hóa;
- Thu hồi GCN xuất xứ hàng hóa đã cấp và tạm dừng cấp GCN xuất xứ hàng hóa có thời hạn;
- Áp dụng chế độ luồng đỏ trong hệ thống quản lý rủi ro đối với thương nhân và công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Công Thương tại địa chỉ www.moit.gov.vn.
- Tăng thời gian giải quyết cấp GCN xuất xứ lên 03 ngày trong thời gian thử thách 06 tháng.
- Áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Nghị định 31/2018/NĐ-CP thay thế thay thế Nghị định 19/2006/NĐ-CP và các Thông tư hướng dẫn của nghị định này.
5. Bổ sung thành phần hồ sơ định giá tài sản trong TTHS
Chính phủ ban hành Nghị định 30/2018/NĐ-CP về quy định chi tiết việc thành lập và hoạt động của Hội đồng định giá tài sản; trình tự, thủ tục định giá tài sản trong TTHS.
Theo đó, bổ sung thêm "Tài liệu do cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng cung cấp" vào thành phần hồ sơ định giá tài sản trong TTHS.
Nghị định 30/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ 01/5/2018.
6. Nghị định 32/2018/NĐ-CP bổ sung quy định về Phương thức chuyển nhượng vốn nhà nước tại công ty cổ phần có hiệu lực từ ngày 01/5/2018.