1. Ban hành tiêu chuẩn của người làm công tác kiểm toán nội bộ
Ngày 22/01/2019, Chính phủ ban hành Nghị định 05/2019/NĐ-CP về kiểm toán nội bộ (có hiệu lực từ ngày 01/4/2019).
Theo đó, người làm công tác kiểm toán nội bộ phải đáp ứng các tiêu chuẩn sau đây:
- Có bằng đại học trở lên các chuyên ngành phù hợp với yêu cầu kiểm toán, có kiến thức đầy đủ và luôn được cập nhật về các lĩnh vực được giao thực hiện kiểm toán nội bộ.
- Có từ 05 năm trở lên làm việc theo chuyên ngành đào tạo hoặc từ 03 năm trở lên làm việc tại đơn vị đang công tác hoặc từ 03 năm trở lên làm kiểm toán, kế toán hoặc thanh tra.
- Chưa bị kỷ luật ở mức cảnh cáo trở lên do sai phạm trong quản lý kinh tế, tài chính, kế toán hoặc không đang trong thời gian bị thi hành án kỷ luật.
- Có kiến thức, hiểu biết chung về pháp luật và hoạt động của đơn vị; có khả năng thu thập, phân tích, đánh giá và tổng hợp thông tin; có kiến thức, kỹ năng về kiểm toán nội bộ.
- Các tiêu chuẩn khác do đơn vị quy định.
2. Thay thế hàng loạt các văn bản của Bộ NN&PTNT
Đây là nội dung nổi bật tại Thông tư 26/2018/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản, thức ăn thủy sản, sản phẩm xử lý môi trường nuôi trồng thủy sản.
Theo đó, kể từ ngày Thông tư 26 có hiệu lực thi hành (từ ngày 01/01/2019), 21 văn bản khác của Bộ NN&PTNT sẽ bị thay thế; đơn cử như:
- Thông tư 57/2009/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục bổ sung sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;
- Thông tư 67/2009/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục bổ sung thức ăn hỗn hợp được phép lưu hành tại Việt Nam;
- Thông tư 64/2010/TT-BNNPTNT về việc đưa các sản phẩm có chứa trifluralin ra khỏi danh mục sản phẩm xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam;
- Thông tư 26/2013/TT-BNNPTNT về quản lý giống thủy sản; …
3. Năm 2019, VKS sẽ triển khai thực hiện “số hóa hồ sơ vụ án”
Nội dung này được nêu tại Hướng dẫn 09/HD-VKSTC ngày 17/01/2019 của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự năm 2019.
Cụ thể, nhằm bảo đảm tính thuyết phục trong quá trình xét hỏi và tranh tụng, Viện kiểm sát (VKS) sẽ triển khai thực hiện việc “số hóa hồ sơ vụ án” và công bố tài liệu, chứng cứ bằng hình ảnh tại phiên tòa.
Bên cạnh đó, VKS nhân dân cấp tỉnh, thành phố tiếp tục phối hợp với Tòa án tổ chức tốt các phiên tòa hình sự rút kinh nghiệm.
Trước mắt áp dụng đối với các vụ án đưa ra xét xử về tội “Cố ý gây thương tích” và “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ”.
Ngoài ra, VKS cấp dưới phải kịp thời phát hiện các bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng có sai sót, vi phạm để báo cáo VKS cấp trên kháng nghị theo thẩm quyền.
4. Nguyên tắc sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm
Ngày 22/01/2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 04/2019/QĐ-TTg về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm.
Theo đó, hướng dẫn nguyên tắc sử dụng Quỹ phòng, chống tội phạm như sau:
- Việc lập dự toán, thanh toán, quyết toán, kiểm toán đối với Quỹ này được thực hiện theo các quy định của Luật ngân sách nhà nước và Nghị định 163/2016/NĐ-CP ngày 21/12/2016.
- Nội dung chi của Quỹ không được trùng với các nội dung chi từ nguồn chi hỗ trợ khác, số kinh phí kết dư của Quỹ cuối năm chưa sử dụng hết được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng.
Quyết định 04/2019/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 10/3/2019 và thay thế Quyết định 47/2012/QĐ-TTg ngày 01/11/2012.