1. Hồ sơ giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 do ảnh hưởng COVID-19
Nội dung này được quy định tại Quyết định 01/2023/QĐ-TTg ngày 31/01/2023 về giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước đối với các đối tượng bị ảnh hưởng bởi Covid-19 do Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Theo đó, thành phần hồ sơ giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của năm 2022 do ảnh hưởng COVID-19 cho các đối tượng bao gồm các loại giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước năm 2022 của người thuê đất, thuê mặt nước theo Mẫu tại Phụ lục ban hành kèm theo Quyết định 01/2023/QĐ-TTg .
Người thuê đất, thuê mặt nước chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính trung thực, chính xác của thông tin và đề nghị giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước của mình, đảm bảo đúng đối tượng được giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước theo quy định tại Quyết định 01/2023/QĐ-TTg .
- Quyết định cho thuê đất, thuê mặt nước hoặc Hợp đồng thuê đất, thuê mặt nước hoặc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (bản sao).
Mức giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước phải nộp của năm 2022 đối với người thuê đất, thuê mặt nước là 30% và không thực hiện giảm trên số tiền thuê đất, thuê mặt nước còn nợ của các năm trước năm 2022 và tiền chậm nộp (nếu có).
Quyết định 01/2023/QĐ-TTg có hiệu lực kể từ ngày ký.
2. Các trường hợp công trình khai thác tài nguyên nước phải đăng ký giấy phép
Chính phủ ban hành Nghị định 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước.
Cụ thể, các trường hợp công trình khai thác, sử dụng tài nguyên nước phải đăng ký, bao gồm:
- Hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 hoặc công trình khai thác, sử dụng nước mặt khác cho mục đích sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm các mục đích khác có quy mô thuộc trường hợp phải cấp phép) với lưu lượng khai thác lớn hơn 0,1 m3/giây đến 0,5 m3/giây;
Trường hợp hồ chứa, đập dâng thủy lợi có dung tích toàn bộ từ 0,01 triệu m3 đến 0,2 triệu m3 có các mục đích khai thác, sử dụng nước có quy mô khai thác thuộc trường hợp phải có giấy phép thì phải thực hiện xin phép theo quy định Nghị định 02/2023/NĐ-CP .
- Khai thác, sử dụng nước biển phục vụ các hoạt động sản xuất trên đất liền bao gồm cả nuôi trồng thủy sản, kinh doanh, dịch vụ với quy mô trên 10.000 m3/ngày đêm đến 100.000 m3/ngày đêm;
- Khai thác, sử dụng nước dưới đất thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản 2 Điều 16 Nghị định 02/2023/NĐ-CP và các trường hợp quy định tại điểm a, điểm d khoản 1 Điều 44 Luật Tài nguyên nước nằm trong danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh công bố;
- Sử dụng nước dưới đất tự chảy trong moong khai thác khoáng sản để tuyển quặng mà không gây hạ thấp mực nước dưới đất hoặc bơm hút nước để tháo khô lượng nước tự chảy vào moong khai thác khoáng sản.
Nghị định 02/2023/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 20/3/2023 và bãi bỏ Nghị định 201/2013/NĐ-CP .
3. Trình tự tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh của TCTD phi ngân hàng
Thông tư 27/2022/TT-NHNN sửa đổi các Thông tư quy định về phân cấp giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực thành lập và hoạt động ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày 31/12/2022.
Theo đó, trình tự tự nguyện chấm dứt hoạt động chi nhánh của TCTD phi ngân hàng được thực hiện như sau:
- Tổ chức tín dụng phi ngân hàng lập 01 bộ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 53/2018/TT-NHNN gửi Ngân hàng Nhà nước chi nhánh nơi đặt trụ sở chi nhánh;
(Hiện hành tại Thông tư 53/2018/TT-NHNN , bộ hồ sơ gửi về Ngân hàng Nhà nước chi nhánh (nơi không có Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng) hoặc Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng nơi đặt trụ sở chi nhánh)
- Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ theo quy định tại khoản 1 Điều 18 Thông tư 53/2018/TT-NHNN , Ngân hàng Nhà nước chi nhánh có văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của tổ chức tín dụng phi ngân hàng.
Trường hợp không chấp thuận, văn bản phải nêu rõ lý do.
(Cục Thanh tra, giám sát ngân hàng sẽ không còn có thẩm quyền gửi văn bản chấp thuận hoặc không chấp thuận đề nghị của tổ chức tín dụng phi ngân hàng như quy định hiện hành tại Thông tư 53/2018/TT-NHNN )
Thông tư 27/2022/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/3/2023.
4. Căn cứ bổ nhiệm thông qua thi tuyển cán bộ ngành Thi hành án Quân đội
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 10/2023/TT-BQP ban hành ngày 30/01/2023 sửa đổi Thông tư 19/2018/TT-BQP quy định về chức danh cán bộ ngành Thi hành án Quân đội.
Cụ thể, việc bổ nhiệm thông qua thi tuyển cán bộ ngành Thi hành án Quân đội được dựa trên các căn cứ sau đây:
- Căn cứ nhu cầu, tổ chức biên chế và quy định tại khoản 5 Điều 18 Luật Thi hành án dân sự ; Cục Thi hành án Bộ Quốc phòng cử sĩ quan tại ngũ có đủ tiêu chuẩn tham gia kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp; cử Chấp hành viên sơ cấp tham gia kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp; cử Chấp hành viên trung cấp tham gia kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch Chấp hành viên cao cấp do Bộ Tư pháp tổ chức;
- Căn cứ kết quả trúng tuyển kỳ thi tuyển Chấp hành viên sơ cấp; kỳ thi tuyển, thi nâng ngạch Chấp hành viên trung cấp và Chấp hành viên cao cấp do Bộ Tư pháp tổ chức; Phòng Thi hành án cấp quân khu thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm vào các ngạch Chấp hành viên theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam và quy định của Bộ Tư pháp.
(Hiện hành tại Thông tư 19/2018/TT-BQP , việc bổ nhiệm thông qua thi tuyển cán bộ ngành Thi hành án Quân đội được chỉ căn cứ vào nhu cầu biên chế và kết quả trúng tuyển kỳ thi của thí sinh, Phòng Thi hành án cấp quân khu thực hiện quy trình đề nghị bổ nhiệm theo Quy chế công tác cán bộ trong Quân đội nhân dân Việt Nam).
Thông tư 10/2023/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/3/2023.