Tổng cục Thuế yêu cầu các Vụ, Cục, đơn vị thuộc Tổng cục Thuế và cơ quan Thuế các cấp thực hiện một số nội dung như sau:
- Lưu ý trong việc tiếp nhận và xử lý văn bản:
+ Khi nhận được các vướng mắc của cơ quan Thuế cấp dưới, NNT liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế của NNT mà vướng mắc gửi đã rõ ràng hoặc có hồ sơ đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận thực hiện xử lý theo quy định.
+ Trường hợp, vướng mắc nêu không rõ ràng hoặc không có hồ sơ đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận, xử lý phải yêu cầu NNT, cơ quan Thuế cấp dưới nêu rõ vướng mắc, bổ sung hồ sơ để có đủ thông tin, cơ sở hướng dẫn, trả lời.
+ Đối với trường hợp NNT có văn bản đề nghị cơ quan Thuế hướng dẫn, áp dụng pháp luật liên quan đến xác định nghĩa vụ thuế cụ thể thì cơ quan Thuế quản lý trực tiếp hoặc cơ quan Thuế quản lý khoản thu được phân công quản lý đối với sắc thuế, khoản thu mà NNT có vướng mắc có trách nhiệm nghiên cứu và hướng dẫn cho NNT.
+ Trường hợp cơ quan thuế quản lý trực tiếp đã có văn bản hướng dẫn nhưng NNT thấy chưa thoả đáng và tiếp tục có văn bản đề nghị cơ quan Thuế cấp trên hướng dẫn thì cơ quan Thuế cấp trên phải yêu cầu cơ quan quản lý thuế trực tiếp cung cấp các hồ sơ, tài liệu có liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế cụ thể của NNT đó để có căn cứ và thực hiện trả lời.
+ Trường hợp cơ quan Thuế cấp dưới trong quá trình nghiên cứu hướng dẫn cho NNT có phát sinh vướng mắc và có văn bản đề nghị cơ quan Thuế cấp trên hướng dẫn thì văn bản hỏi của cơ quan Thuế cấp dưới đối với cơ quan Thuế cấp trên phải từ vướng mắc xảy ra trong thực tế của người nộp thuế hoặc cơ quan Thuế (không giả định tình huống).
- Yêu cầu về nội dung, trình tự, thủ tục và thể thức của văn bản hướng dẫn của cơ quan Thuế:
+ Về nội dung trả lời: Văn bản hướng dẫn của cơ quan Thuế phải đảm bảo theo đúng thẩm quyền, không được chứa quy phạm pháp luật theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
+ Về trình tự, thủ tục và thể thức của văn bản: Cơ quan Thuế các cấp thực hiện các quy định về soạn thảo và ban hành văn bản theo đúng thẩm quyền, trình tự, thủ tục, hình thức, thể thức và kỹ thuật trình bày tại Nghị định 30/2020/NĐ-CP .
- Về việc lấy ý kiến trong quá trình trả lời (trong nội bộ cơ quan Thuế và cơ quan bên ngoài):
+ Đơn vị chủ trì thực hiện lấy ý kiến tham gia của các đơn vị thì lưu ý chỉ gửi lấy ý kiến tham gia về vướng mắc có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các đơn vị được lấy ý kiến và xác định rõ nội dung lấy ý kiến đối với từng đơn vị để đảm bảo về thời hạn và chất lượng công việc.
+ Trường hợp cơ quan Thuế đã có văn bản trả lời về vụ việc tương tự thì đơn vị chủ trì thực hiện lấy ý kiến của đơn vị đã tham mưu ban hành văn bản đó để Lãnh đạo cơ quan Thuế xem xét, quyết định.
- Về việc kiểm tra, rả soát văn bản sau khi ban hành:
+ Sau khi các văn bản hướng dẫn được đơn vị ký ban hành hoặc do đơn vị trình và được cấp có thẩm quyền ban hành, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm tự kiểm tra, rà soát để phát hiện các sai sót, bao gồm cả việc có chứa quy phạm pháp luật (nếu có).
+ Trường hợp qua tự kiểm tra, rà soát phát hiện văn bản có sai sót, Thủ trưởng các đơn vị có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan để báo cáo cấp có thẩm quyền phương án xử lý; đồng thời báo cáo kết quả thực hiện công tác tự kiểm tra văn bản theo chế độ.
Công văn 5029/TCT-PC được ban hành ngày 09/11/2023.