Ai có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn? Không thực hiện cấp dưỡng cho con sau ly hôn xử lý thế nào?
Ai có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn?
Căn cứ theo quy định tại Điều 82 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ không trực tiếp nuôi con như sau:
"Điều 82. Nghĩa vụ, quyền của cha, mẹ không trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn
1. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
2. Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con.
3. Sau khi ly hôn, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó."
Ngoài ra, Điều 110 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 cũng có quy định:
"Điều 110. Nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ đối với con
Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con."
Theo như các quy định trên, sau ly hôn, cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con. Cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Trong trường hợp này chồng bạn không trực tiếp nuôi con cho nên có nghĩa vụ phải cấp dưỡng theo quy định.
Nghĩa vụ cấp dưỡng
Không thực hiện cấp dưỡng cho con sau ly hôn xử lý thế nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 119 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì:
"Điều 119. Người có quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng
1. Người được cấp dưỡng, cha, mẹ hoặc người giám hộ của người đó, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó.
2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây, theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, có quyền yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó:
a) Người thân thích;
b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;
c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;
d) Hội liên hiệp phụ nữ.
3. Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác khi phát hiện hành vi trốn tránh thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng có quyền đề nghị cơ quan, tổ chức quy định tại các điểm b, c và d khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó."
Theo đó, nếu chồng không thực hiện việc cấp dưỡng cho con sau khi ly hôn theo quyết định của Tòa thì trước hết hai bên nên cần trao đổi lại vấn đề này và đi đến thỏa thuận yêu cầu cấp dưỡng hợp lý nhất cho hai bên. Nếu người chồng vẫn từ chối việc cấp dưỡng thì người vợ có thể làm đơn gửi Tòa án để yêu cầu người chồng cấp dưỡng đúng như theo quyết định trước đó.
Như vậy, bạn nên liên hệ với TAND cấp huyện nơi người chồng đang cư trú để họ hướng dẫn giải quyết, trường hợp nếu sau khi Tòa án đã có quyết định buộc thực hiện mà không thực hiện thì sẽ bị cưỡng chế thi hành.
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt khi nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 118 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 về chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng:
"Điều 118. Chấm dứt nghĩa vụ cấp dưỡng
Nghĩa vụ cấp dưỡng chấm dứt trong các trường hợp sau đây:
1. Người được cấp dưỡng đã thành niên và có khả năng lao động hoặc có tài sản để tự nuôi mình;
2. Người được cấp dưỡng được nhận làm con nuôi;
3. Người cấp dưỡng đã trực tiếp nuôi dưỡng người được cấp dưỡng;
4. Người cấp dưỡng hoặc người được cấp dưỡng chết;
5. Bên được cấp dưỡng sau khi ly hôn đã kết hôn;
6. Trường hợp khác theo quy định của luật."
Nguyễn Đào Thúy Vy
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Nghĩa vụ cấp dưỡng có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Viên chức Bộ Tư pháp được xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong bao nhiêu năm thì bị đơn phương chấm dứt hợp đồng làm việc?
- Mẫu phiếu đánh giá việc giải quyết thủ tục hành chính của các đơn vị tại Trụ sở chính Ngân hàng Nhà nước? Cách chấm điểm tiêu chí đánh giá?
- Đối tượng được hỗ trợ bằng tiền không quá 05 lần giá đất nông nghiệp khi bị thu hồi đất theo Luật Đất đai mới?
- Mẫu bảng tổng hợp kết quả đánh giá của đồng nghiệp trong tổ chuyên môn sử dụng trong đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên mầm non?
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?