Đương sự là gì? Tư cách đương sự trong vụ việc dân sự được xác định thế nào theo pháp luật dân sự?
Đương sự là gì?
Đương sự là thuật ngữ pháp lý dùng để chỉ các bên tham gia vào một vụ việc, vụ án trong hệ thống pháp luật.
(1) Trong tố tụng dân sự, đương sự được quy định tại khoản 1 Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, cụ thể:
- Đương sự trong vụ án dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
- Đương sự trong việc dân sự là cơ quan, tổ chức, cá nhân bao gồm người yêu cầu giải quyết việc dân sự và người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
(2) Trong tố tụng hình sự, đương sự được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 4 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 như sau:
Đương sự gồm nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự.
(3) Trong tố tụng hành chính, đương sự được quy định tại khoản 7 Điều 3 Luật Tố tụng Hành chính 2015 như sau:
Đương sự bao gồm người khởi kiện, người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự là gì? Tư cách đương sự trong vụ việc dân sự được xác định thế nào theo pháp luật dân sự? (Hình từ Internet)
Tư cách đương sự trong vụ việc dân sự được xác định thế nào?
Theo quy định tại Điều 68 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015, tư cách đương sự trong vụ việc dân sự được xác định như sau:
(1) Nguyên đơn trong vụ án dân sự là người khởi kiện, người được cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của người đó bị xâm phạm.
Cơ quan, tổ chức do Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định khởi kiện vụ án dân sự để yêu cầu Tòa án bảo vệ lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thuộc lĩnh vực mình phụ trách cũng là nguyên đơn.
(2) Bị đơn trong vụ án dân sự là người bị nguyên đơn khởi kiện hoặc bị cơ quan, tổ chức, cá nhân khác do Bộ luật này quy định khởi kiện để yêu cầu Tòa án giải quyết vụ án dân sự khi cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bị người đó xâm phạm.
(3) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án dân sự là người tuy không khởi kiện, không bị kiện, nhưng việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc các đương sự khác đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp việc giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
(4) Người yêu cầu giải quyết việc dân sự là người yêu cầu Tòa án công nhận hoặc không công nhận một sự kiện pháp lý làm căn cứ phát sinh quyền, nghĩa vụ về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động của mình hoặc của cơ quan, tổ chức, cá nhân khác; yêu cầu Tòa án công nhận cho mình quyền về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động.
(5) Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự là người tuy không yêu cầu giải quyết việc dân sự nhưng việc giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của họ nên họ được tự mình đề nghị hoặc đương sự trong việc dân sự đề nghị và được Tòa án chấp nhận đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Trường hợp giải quyết việc dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong việc dân sự.
Lời khai của đương sự có phải là nguồn chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự hay không?
Căn cứ Điều 94 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định về nguồn chứng cứ như sau:
Nguồn chứng cứ
Chứng cứ được thu thập từ các nguồn sau đây:
1. Tài liệu đọc được, nghe được, nhìn được, dữ liệu điện tử.
2. Vật chứng.
3. Lời khai của đương sự.
4. Lời khai của người làm chứng.
5. Kết luận giám định.
6. Biên bản ghi kết quả thẩm định tại chỗ.
7. Kết quả định giá tài sản, thẩm định giá tài sản.
8. Văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi pháp lý do người có chức năng lập.
9. Văn bản công chứng, chứng thực.
10. Các nguồn khác mà pháp luật có quy định.
Như vậy, lời khai của đương sự cũng là một trong các nguồn chứng cứ để giải quyết vụ việc dân sự.
Phan Thị Như Ý
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Vụ việc dân sự có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Con cháu có thể ủy nhiệm chăm sóc ông bà cho viện dưỡng lão khi ở xa không có điều kiện chăm sóc trực tiếp không?
- Khi nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng kỹ thuật mới có cần phải báo cáo thông tin AE trong các thử nghiệm đa quốc gia mà Việt Nam tham gia không?
- Người theo học ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng được trang bị những kiến thức và kỹ năng gì? Ngành an ninh mạng trình độ cao đẳng là gì?
- Giấy chứng nhận đủ điều kiện về an ninh trật tự của cơ sở kinh doanh các loại pháo sẽ do cơ quan nào cấp?
- Hàng hóa thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư chuyển sang hàng hóa không thuộc đối tượng ưu đãi đầu tư có được nộp bổ sung chứng từ?