Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 có phải là thời điểm đặc xá hay không? Người được đề nghị đặc xá có các quyền và nghĩa vụ nào?
Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 năm 2024 có phải là thời điểm đặc xá không?
Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 năm 2024 có phải là thời điểm đặc xá không? (Hình từ Internet)
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 3 Luật Đặc xá 2018 thì đặc xá được giải thích là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước do Chủ tịch nước quyết định tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước hoặc trong trường hợp đặc biệt.
Ngoài ra, căn cứ theo Điều 5 Luật Đặc xá 2018 quy định về thời điểm đặc xá như sau:
Thời điểm đặc xá
1. Chủ tịch nước xem xét, quyết định về đặc xá nhân sự kiện trọng đại, ngày lễ lớn của đất nước.
2. Chủ tịch nước xem xét, quyết định đặc xá trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước mà không phụ thuộc vào thời điểm quy định tại khoản 1 Điều này.
Bên cạnh đó, căn cứ theo quy định tại Điều 4 Nghị định 145/2013/NĐ-CP, các ngày lễ lớn trong nước gồm có:
(1) Ngày Tết Nguyên đán (01 tháng Giêng Âm lịch).
(2) Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (03-02-1930).
(3) Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10-3 Âm lịch).
(4) Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975).
(5) Ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ (07-5-1954).
(6) Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890).
(7) Ngày Cách mạng Tháng Tám (19-8-1945) và Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (02-9-1945).
Theo đó, Ngày Chiến thắng 30 tháng 4 năm 2024 được xác định là một trong các ngày lễ lớn của đất nước. Tuy nhiên, việc xét đặc xá vào ngày lễ này còn phụ thuộc vào quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Người được đề nghị đặc xá vào ngày Chiến thắng 30 tháng 4 có các quyền và nghĩa vụ nào?
Căn cứ theo quy định tại Điều 13 Luật Đặc xá 2018, người được đề nghị đặc xá vào ngày Chiến thắng 30 tháng 4 sẽ có các quyền và nghĩa vụ dưới đây:
- Được phổ biến chính sách, pháp luật về đặc xá; thông báo Quyết định về đặc xá, văn bản hướng dẫn của cơ quan có thẩm quyền về điều kiện của người được đề nghị đặc xá và thông tin khác về đặc xá liên quan đến người được đề nghị đặc xá.
- Liên hệ với thân nhân để thu thập giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá.
- Đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền cấp, xác nhận giấy tờ, tài liệu cần thiết cho việc hoàn thiện hồ sơ đề nghị đặc xá.
- Cung cấp giấy tờ, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền đề nghị đặc xá; khai báo đầy đủ, trung thực thông tin về cá nhân liên quan đến việc đề nghị đặc xá.
- Khiếu nại, tố cáo trong thực hiện đặc xá theo quy định.
Người được đặc xá vào ngày Chiến thắng 30 tháng 4 có đương nhiên được xóa án tích không?
Căn cứ theo Điều 70 Bộ luật Hình sự 2015 quy định như sau:
Đương nhiên được xóa án tích
1. Đương nhiên được xóa án tích được áp dụng đối với người bị kết án không phải về các tội quy định tại Chương XIII và Chương XXVI của Bộ luật này khi họ đã chấp hành xong hình phạt chính, thời gian thử thách án treo hoặc hết thời hiệu thi hành bản án và đáp ứng các điều kiện quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.
2. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi chấp hành xong hình phạt chính hoặc hết thời gian thử thách án treo, người đó đã chấp hành xong hình phạt bổ sung, các quyết định khác của bản án và không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn sau đây:
a) 01 năm trong trường hợp bị phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, phạt tù nhưng được hưởng án treo;
b) 02 năm trong trong trường hợp bị phạt tù đến 05 năm;
c) 03 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 05 năm đến 15 năm;
d) 05 năm trong trường hợp bị phạt tù từ trên 15 năm, tù chung thân hoặc tử hình nhưng đã được giảm án.
Trường hợp người bị kết án đang chấp hành hình phạt bổ sung là quản chế, cấm cư trú, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân mà thời hạn phải chấp hành dài hơn thời hạn quy định tại các điểm a, b và c khoản này thì thời hạn đương nhiên được xóa án tích sẽ hết vào thời điểm người đó chấp hành xong hình phạt bổ sung.
3. Người bị kết án đương nhiên được xóa án tích, nếu từ khi hết thời hiệu thi hành bản án, người đó không thực hiện hành vi phạm tội mới trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều này.
4. Cơ quan quản lý cơ sở dữ liệu lý lịch tư pháp có trách nhiệm cập nhật thông tin về tình hình án tích của người bị kết án và khi có yêu cầu thì cấp phiếu lý lịch tư pháp xác nhận không có án tích, nếu có đủ điều kiện quy định tại khoản 2 hoặc khoản 3 Điều này.
Người được đặc xá thì không phải chấp hành hình phạt tù còn lại mà Tòa án đã tuyên trước đó. Tuy nhiên, những quyết định khác trong bản án thì người đó vẫn phải chấp hành đầy đủ như: hình phạt bổ sung, án phí, bồi thường thiệt hại (nếu có).
Như vậy, người được đặc xá không có nghĩa là người đó đương nhiên được xóa án tích mà còn phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định trên thì mới được đương nhiên xóa án tích.
Nguyễn Thị Kim Linh
Quý khách cần hỏi thêm thông tin về Đề nghị đặc xá có thể đặt câu hỏi tại đây.
- Mẫu danh sách thanh niên xung phong được hưởng chế độ trợ cấp một lần là mẫu nào? Tải về file word ở đâu?
- Thời hạn phê duyệt kế hoạch cải tạo nhà chung cư? Tiêu chí đánh giá chất lượng nhà chung cư để đưa vào kế hoạch được xác định theo quy trình nào?
- Quy trình đánh giá Đảng viên cuối năm 2024? Quy trình đánh giá xếp loại Đảng viên cuối năm 2024 thế nào?
- Khối lượng của loại vàng miếng SJC do cơ quan nào quyết định? Quy trình gia công vàng miếng SJC từ vàng của Ngân hàng Nhà nước?
- Mẫu phiếu lấy ý kiến đồng nghiệp trong tổ chuyên môn đối với giáo viên mầm non mới nhất? Tải về tại đâu?