Mẫu sổ chi tiết thanh toán với người mua (người bán) theo Thông tư 133 (Hình từ internet)
Về vấn đề này, THƯ VIỆN PHÁP LUẬT giải đáp như sau:
Mẫu sổ chi tiết thanh toán với người mua (người bán) là mẫu S12-DNN được quy định tại Phụ lục 4 ban hành kèm theo Thông tư 133/2016/TT-BTC.
Mẫu sổ chi tiết thanh toán với người mua (người bán) (Mẫu S12-DNN) |
- Thông tư 133/2016/TT-BTC áp dụng đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (bao gồm cả doanh nghiệp siêu nhỏ) thuộc mọi lĩnh vực, mọi thành phần kinh tế theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa trừ doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp do Nhà nước sở hữu trên 50% vốn điều lệ, công ty đại chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán, các hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã theo quy định tại Luật Hợp tác xã 2012. - Doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa thuộc lĩnh vực đặc thù như điện lực, dầu khí, bảo hiểm, chứng khoán ... đã được Bộ Tài chính ban hành hoặc chấp thuận áp dụng chế độ kế toán đặc thù. - Doanh nghiệp nhỏ và vừa có thể lựa chọn áp dụng Chế độ kế toán doanh nghiệp ban hành theo Thông tư 200/2014/TT-BTC và các văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế nhưng phải thông báo cho cơ quan thuế quản lý doanh nghiệp và phải thực hiện nhất quán trong năm tài chính. Trường hợp chuyển đổi trở lại áp dụng chế độ kế toán doanh nghiệp nhỏ và vừa theo Thông tư 133/2016/TT-BTC thì phải thực hiện từ đầu năm tài chính và phải thông báo lại cho cơ quan Thuế. - Doanh nghiệp vừa và nhỏ căn cứ vào nguyên tắc kế toán, nội dung và kết cấu của các tài khoản kế toán quy định tại Thông tư 133/2016/TT-BTC để phản ánh và hạch toán các giao dịch kinh tế phát sinh phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý của đơn vị. - Trường hợp trong năm tài chính doanh nghiệp có những thay đổi dẫn đến không còn thuộc đối tượng áp dụng theo quy định tại Điều 2 Thông tư 133/2016/TT-BTC thì được áp dụng Thông tư 133/2016/TT-BTC cho đến hết năm tài chính hiện tại và phải áp dụng Chế độ kế toán phù hợp với quy định của pháp luật kể từ năm tài chính kế tiếp. |
* Mục đích sổ chi tiết thanh toán với người mua (người bán) theo Thông tư 133:
Sổ này dùng để theo dõi việc thanh toán với người mua (người bán) theo từng đối tượng, từng thời hạn thanh toán.
* Căn cứ và cách ghi sổ chi tiết thanh toán với người mua (người bán) theo Thông tư 133:
Sổ chi tiết thanh toán với người mua (người bán) được mở theo từng tài khoản, theo từng đối tượng thanh toán.
- Cột A: Ghi ngày, tháng năm kế toán ghi sổ.
- Cột B, C: Ghi số hiệu, ngày, tháng của chứng từ dùng để ghi sổ.
- Cột D: Ghi nội dung của nghiệp vụ kinh tế phát sinh.
- Cột E: Ghi số hiệu tài khoản đối ứng.
- Cột 1: Ghi thời hạn được hưởng chiết khấu thanh toán trên hóa đơn mua (bán) hàng hoặc các chứng từ liên quan đến việc mua (bán) hàng.
- Cột 2, 3: Ghi số phát sinh bên Nợ (hoặc bên Có) của tài khoản.
- Cột 4, 5: Ghi số dư bên Nợ (hoặc bên Có) của tài khoản sau từng nghiệp vụ thanh toán.
Tất cả các biểu mẫu sổ kế toán (kể cả các loại Sổ Cái, sổ Nhật ký) đều thuộc loại hướng dẫn (không bắt buộc).
Doanh nghiệp phải tuân thủ quy định của Luật Kế toán 2015 và các văn bản hướng dẫn Luật Kế toán 2015.
Doanh nghiệp được tự thiết kế biểu mẫu sổ, thẻ kế toán phù hợp với đặc điểm hoạt động và yêu cầu quản lý nhưng phải đảm bảo trình bày thông tin đầy đủ, rõ ràng, dễ kiểm tra, kiểm soát.
(Điểm b khoản 3 Điều 10 Thông tư 133/2016/TT-BTC)