Đại biểu Quốc hội, thiếu tướng Trịnh Xuyên cho rằng nêu ra quyền im lặng là rất vô lý - Ảnh: Việt Dũng
“Luật cần đảm bảo quyền dân chủ cho dân nhưng cũng phải tạo điều kiện cho cơ quan tư pháp làm việc, nếu không sẽ xảy ra tình trạng chúng ta bó tay trong cuộc đấu tranh chống tội phạm” - thượng tướng Đặng Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công an nêu quan điểm.
Theo ông Hiếu, thời gian qua đã nảy ra cuộc tranh luận về cái gọi là “quyền im lặng”, sau một hồi thảo luận thì mới đi đến quy định trong dự thảo luật là: “Người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội”.
Thượng tướng Đặng Văn Hiếu đồng tình quy định cho phép bị can, bị cáo, người bị bắt có quyền tự do trình bày, từ đó cán bộ điều tra mới khai thác những mâu thuẫn trong lời khai, đấu tranh với tội phạm.
“Nhưng quy định không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc tự nhận mình có tội thì không chuẩn lắm, làm khó khăn cho hoạt động điều tra. Tôi đề nghị quy định lại là người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không bị ép buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, không bị ép buộc phải nhận mình có tội” - ông nói.
Đồng tình với quan điểm trên, thiếu tướng Trịnh Xuyên, Giám đốc Công an Thanh Hóa phân tích: “Tôi cho rằng người bị bắt, bị tạm giữ trước hết phải có quyền và nghĩa vụ trình bày diễn biến, hành vi của mình và có quyền chứng minh mình không phạm tội, đồng thời cũng có trách nhiệm phải nhận hành vi phạm tội của mình trước pháp luật”.
“Giết người, đánh người gây thương tích mà bảo là được quyền im lặng, không phải trình bày gì cả thì không đúng.
Các cơ quan nêu ra quyền im lặng rất vô lý, không thể chấp nhận được. Trong trình độ dân trí và điều kiện của chúng ta như vậy thì hoàn toàn không phù hợp, gây khó khăn cho các cơ quan đấu tranh bảo vệ pháp luật, dẫn đến hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm sẽ thấp” - ông Xuyên nhấn mạnh.
Tương tự, thiếu tướng Lê Đông Phong, phó giám đốc Công an TP.HCM nói: “Bị can, bị cáo không bị ép nhận tội nhưng đừng quy định một cách bắt chước nước ngoài là anh không cần phải khai báo.
Lời khai vẫn là một chứng cứ. Quy định bị can, bị cáo không cần khai là máy móc. Mình nên quy định bị can, bị cáo có quyền tự do trình bày lời khai, không bị ép buộc. Đừng nhìn vào một số vụ oan sai mà đảo lộn tất cả”.
Các ý kiến trên nhận được sự đồng tình của đại biểu Đỗ Văn Đương, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp: “Chúng ta quy định quyền im lặng của người phạm tội là không đúng. Khi im lặng là lúc chưa có luật sư.
Còn im lặng, không khai là bất lợi. Không buộc phải khai, phải nhận tội ngầm hiểu là im lặng, không khai báo gì cả. Giết người cướp của cũng không khai báo là không đúng”.
Không nghĩ như vậy, đại biểu Trương Trọng Nghĩa cho biết “quyền không khai báo các nước làm hết, còn mình lại hạ thấp, như thế là hạ thấp quyền của người dân Việt Nam xuống. Khi anh áp dụng cái mới, tất nhiên là khó nhưng khó thì phải phấn đấu, nỗ lực nhiều hơn”.
TS Trần Du Lịch, Phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cũng “không đồng tình với đại biểu Đương”. Ông Lịch bày tỏ: “Đừng nghĩ rằng vì trình độ thế này chúng ta không nên cải cách. Chúng ta không kém hơn các nước, vấn đề là có tôn trọng quyền của bị can, bị cáo hay không”.
LÊ KIÊN