Sáng nay (26/6), Quốc hội đã biểu quyết
thông qua Nghị quyết phê chuẩn các chức danh thẩm phán TANDTC.
Kết quả thông quan Nghị quyết phê chuẩn chức danh thẩm phán TANDTC như sau: 447 đại biểu tham gia (chiếm 90,49%), 440 đại biểu tán thành (chiếm 89,07%), 3 đại biểu không tán thành (chiếm 0,61%), không biểu quyết 4 đại biểu (chiếm 0,81%).
Kết quả biểu quyết thông qua nghị quyết phê chuẩn các chức danh thẩm phán TANDTC (ảnh: Hồng Chuyên)
Ngoài ông Nguyễn Hòa Bình là Chánh án TANDTC, đương nhiên là thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, còn có 15 thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao dưới đây:
1.Ông Bùi Ngọc Hòa, sinh ngày 15/1011955, Ủy viên Ban cán sự, Bí thư Đảng Ủy, Phó Chánh án Thường trực Tòa án nhân dân tối cao.
2. Ông Nguyễn Sơn, sinh ngày 20/6/1957, Phó Bí thư Ban cán sự đảng, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, ĐBQH khóa XIII
3. Ông Tống Anh Hào, sinh ngày 24/9/1956, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.
4. Ông Nguyễn Văn Thuân, sinh ngày 21/5/1958, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC
5. Ông Nguyễn Văn Hạnh, sinh ngày 6/1/1959, Thiếu tướng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Chánh án TANDTC, Chánh án Tòa án quân sự trung ương.
6. Bà Nguyễn Thúy Hiền, sinh ngày 20/6/1960, Ủy viên Ban cán sự Đảng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp (Ban cán sự Đảng Bộ Tư pháp giới thiệu)
7. Bà Đào Thị Xuân Lan, sinh ngày 8/9/1961, Ủy viên thường trực Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, ĐBQH khóa XIII (Đảng đoàn Quốc hội giới thiệu)
8. Bà Nguyễn Thị Hoàng Anh, sinh ngày 23/5/1960, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCNVN tại Cộng hòa LB Đức (Ban cán sự đảng Bộ Ngoại giao giới thiệu)
9. Ông Nguyễn Trí Tuệ, sinh ngày 28/9/1963, Thẩm phán trung cấp, Ủy viên Ban cán sự đảng, Chánh Văn phòng Ban cán sự, Vụ trưởng Vụ tổ chức – Cán bộ TANDTC kiêm trưởng khoa Đào tạo Thẩm phán Trường cán bộ Tòa án.
10. Bà Lương Ngọc Trâm, sinh ngày 10/8/1966, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa Tòa hình sự TANDTC
11. Ông Lê Văn Minh, sinh ngày 30/11/1964, Thẩm phán TANDTC, Viện trưởng Viện Khoa học xét xử TANDTC
12. Ông Nguyễn Văn Du, sinh ngày 6-6-1963, Thẩm phán TANDTC. Chánh tòa Tòa phúc thẩm TANDTC tại Hà Nội, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC
13. Ông Chu Xuân Minh, sinh ngày 20/1/1956, Thẩm phán TANDTC, Hiệu trưởng Trường cán bộ Tòa án, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
14. Ông Đặng Xuân Đào, sinh ngày 10/9/1955, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa Tòa Kinh tế TANDTC, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC.
15. Ông Trần Văn Cò, sinh ngày 21/1/1958, Thẩm phán TANDTC, Chánh tòa phúc thẩm TANDTC tại TP.HCM, thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC
Trước đó, Infonet đưa tin, trong số 15 ứng viên do Chánh án TANDTC Trương Hoà Bình đề xuất có 5 người là Phó Chánh án TANDTC đương nhiệm, là thành viên đương nhiên của Hội đồng Thẩm phán TANDTC; 3 người không công tác trong các TAND và 7 người là nguồn nhân sự trong các TAND.
Báo cáo thẩm tra danh sách các ứng viên vào chức danh thẩm phán TANDTC, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện cho biết, Uỷ ban Tư pháp nhất trí cao việc bổ nhiệm chức danh thẩm phán TANDTC đối với 14 ứng viên vì đây là các nhân sự có nhiều năm công tác lâu năm tại toà án, nhiều năm đảm nhiệm chức vụ thẩm phán TANDTC, có kinh nghiệm xét xử án giám đốc thẩm, tái thẩm những vụ án thuộc thẩm quyền xét xử của Hội đồng thẩm phán TANDTC...
Tuy nhiên, với các nhân sự không là thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC (gồm bà Lương Ngọc Trâm, ông Nguyễn Trí Tuệ và ông Lê Văn Minh) Uỷ ban Tư pháp lưu ý, do các ông bà này chưa là thành viên Hội đồng thẩm phán TANDTC nên yêu cầu các nhân sự này phải nỗ lực, cố gắng trong quá trình công tác thì mới đáp ứng được nhu cầu công việc thẩm phán TANDTC theo quy định tại Luật tổ chức TAND 2014.
Trong số 3 người không công tác trong TAND có bà Nguyễn Thuý Hiền – Thứ trưởng Bộ Tư pháp. Qua thẩm tra Uỷ ban Tư pháp cho rằng, bà Nguyễn Thuý Hiền tuy không làm việc tại toà án, nhưng có gần 31 năm công tác tại Bộ Tư pháp, được đánh giá là chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực tư pháp, giữ chức vụ quan trọng trong cơ quan tổ chức trung ương... Đồng thời, bà Hiền có năng lực xét xử vụ án và giải quyết những việc thuộc thẩm quyền TANDTC nên đa số ý kiến tại Uỷ ban Tư pháp đều tán thành bổ nhiệm bà Hiền vào chức vụ thẩm phán TANDTC.
Riêng với trường hợp bà Nguyễn Thị Hoàng Anh thì còn nhiều ý kiến băn khoăn. Theo Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện, ngoài ý kiến trong Uỷ ban tán thành việc bổ nhiệm bà Hoàng Anh vào chức danh thẩm phán TANDTC, thì cũng có nhiều ý kiến phản đối. Theo các ý kiến này, bà Hoàng Anh chủ yếu được đào tạo chuyên sâu về luật công pháp chứ không phải tư pháp, nên khó đáp ứng điều kiện có năng lực xét xử thẩm phán và giải quyết những việc khác của TANDTC theo quy định của pháp luật. Mặt khác, bà Hoàng Anh sinh ngày 23/5/1960, nếu tính tới 1/6/2015 là ngày Nghị định 53 của Chính phủ về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn với công chức trong đó có chức danh thẩm phán TANDTC có hiệu lực, thì bà Hoàng Anh đã quá 55 tuổi.
Hồng Chuyên