Đề nghị bỏ thu thuế môn bài

19/06/2015 11:32 AM

"Các doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, các hộ gia đình đã nộp thuế thu nhập hằng tháng, do đó việc dừng và chấm dứt thu thuế môn bài là cần thiết".

Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) đề nghị bỏ thu thuế môn bài - Ảnh: Việt Dũng

Sáng 18-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật phí và lệ phí. Nhiều đại biểu băn khoăn, lo lắng trước việc chuyển học phí, viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí để thực hiện theo cơ chế giá dịch vụ, các khoản thu này được quy định tại Luật khám bệnh, chữa bệnh và Luật giá.

Đề nghị bỏ thu thuế môn bài

Trong phiên thảo luận, đại biểu Nguyệt Hường đề nghị dừng và chấm dứt thu thuế môn bài, đồng thời không chuyển thành lệ phí môn bài.

Bà Hường phân tích hiện nay các doanh nghiệp và hộ kinh doanh thực hiện nộp thuế môn bài hằng năm và vào đầu mỗi năm.

Thuế môn bài là sắc thuế trực thu, đánh vào giấy phép kinh doanh của các doanh nghiệp và hộ kinh doanh, với mức thu chia theo bậc, dựa vào số vốn đăng ký hoặc doanh thu của doanh nghiệp và hộ gia đình.

Hiện nay, mức thu thuế môn bài dao động từ 1 - 3 triệu đồng/năm đối với doanh nghiệp. Căn cứ vào thu nhập bình quân hằng tháng của hộ gia đình mà mức thuế này dao động từ 50.000 - 1 triệu đồng/năm/hộ kinh doanh.

“Với góc độ là một khoản thuế, tôi thấy do các doanh nghiệp đã nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, các hộ gia đình đã nộp thuế thu nhập hằng tháng, do đó việc dừng và chấm dứt thu thuế môn bài là cần thiết. Vấn đề là dự thảo luật đang chuyển khoản thuế môn bài này thành lệ phí môn bài. Tôi đề nghị không quy định khoản lệ phí môn bài trong dự thảo luật để giảm thủ tục hành chính cho doanh nghiệp và người dân, nhất là khi những khoản thu này không lớn” - bà Hường nói.

Nhiều đại biểu cũng đề nghị ban soạn thảo cần rà soát kỹ danh mục phí, lệ phí, loại bỏ các khoản không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân. Đại biểu Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng đang tồn tại nhiều loại phí rất bất hợp lý và không cần thiết, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội.

“Câu chuyện con gà từ lúc nuôi đến lúc giết thịt phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội và hai bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Bộ Tài chính ghi nhận tại phiên chất vấn là một minh chứng cụ thể” - ông Tuấn nói.

Ông Đồng Hữu Mạo (Thừa Thiên - Huế) nói có những loại phí, lệ phí mà “thực tế tôi thấy rất khó giải thích”. Ví dụ, có người mua một chiếc ôtô, theo quy định của lệ phí trước bạ, họ đến cơ quan thuế nộp thuế trước bạ, 10 - 20% đối với loại ôtô chở dưới 10 người, đồng thời họ phải sang công an, theo nghị định 127 nếu ở khu vực Hà Nội họ phải nộp từ 2 - 20 triệu đồng lệ phí cấp giấy đăng ký và biển số. “Hai loại này lý lẽ chỗ nào? Phải nộp từ 10 - 20% lệ phí không giải thích được, lại nộp cả lệ phí đăng ký và biển số cũng không rõ.

Rõ ràng ở đây chúng ta còn lúng túng trong việc định nghĩa khái niệm về lệ phí, dẫn đến thực tế quy định nhiều loại chồng lên nhau. Chỗ này cần làm rõ” - ông Đồng Hữu Mạo nói.

Theo đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (An Giang), để không ảnh hưởng đến đời sống người dân, không triệt tiêu hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và không làm thất thu ngân sách, cần đảm bảo nguyên tắc phí và lệ phí không chồng thuế. Nếu người dân đã trả một lần dịch vụ nào đó ở nghĩa vụ thuế thì không nên trả thêm một lần nữa dưới danh nghĩa phí.

Bà Tuyết đề nghị cân nhắc một số loại phí, lệ phí quy định tại dự thảo luật như phí sử dụng tạm lề đường, lòng đường, vỉa hè. Quy định loại phí này vô hình trung dẫn đến cách hiểu cho phép sử dụng lề đường, lòng đường và vỉa hè, ảnh hưởng đến tiến trình phát triển mỹ quan và sắp xếp đô thị.

Vấn đề gay cấn nhất của xã hội

Theo dự thảo luật, viện phí và học phí sẽ thuộc nhóm các hoạt động dịch vụ do Nhà nước định giá nhằm khuyến khích đẩy nhanh thực hiện xã hội hóa, thu hút đầu tư để phát triển dịch vụ. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt Hường (Hà Nội) cho rằng đây là hai khoản chi phí tác động rất mạnh đến đời sống của từng người dân, nhất là trẻ em.

Do đó, Quốc hội và Chính phủ cần quy định lộ trình, cơ chế quản lý và chính sách học phí cho các trường công lập, chính sách miễn giảm cụ thể để viện phí, học phí không trở thành gánh nặng đối với người nghèo, gia đình chính sách, người già neo đơn. Đặc biệt, cần phải đảm bảo cho mọi trẻ em đều được đến trường, góp phần xây dựng một xã hội học tập và là cơ sở để phát triển nền kinh tế tri thức cho đất nước.

Nêu ví dụ Luật phí và lệ phí được Quốc hội thông qua và có hiệu lực trong năm 2007, đại biểu Trần Văn Độ (An Giang) đặt câu hỏi: “Từ nay đến đó liệu chúng ta có xác định được giá dịch vụ đào tạo, giáo dục, giá dịch vụ y tế không?”.

Nếu việc chuyển học phí, viện phí sang giá dịch vụ không thực hiện đồng bộ với chính sách an sinh xã hội, đây sẽ là vấn đề rất nhạy cảm và rất bất cập. “Phải chăng chúng ta chưa nên hoặc phải có lộ trình dài, chứ không thể một vài năm mà chúng ta thực hiện được việc này” - ông Độ thiết tha đề nghị Quốc hội.

Phó chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho rằng mấy chục năm đổi mới vừa qua, vấn đề gay cấn nhất của xã hội là học phí và viện phí, nhân dân băn khoăn, đại biểu Quốc hội cũng băn khoăn.

Do vậy, nếu thực hiện cách tiếp cận giá (học phí và viện phí) thì phải bỏ thu thuế ở phần giá dịch vụ y tế, đồng thời làm gọn phần giá (từ khoảng 2.000 danh mục giá dịch vụ y tế nhóm lại khoảng 300 - 400 danh mục), trong đó thể hiện rõ Nhà nước bao cấp cái gì. Ngoài ra, ông Tiên cũng đề xuất cách tiếp cận khác là trong Luật phí và lệ phí quy định một chương riêng về học phí, viện phí, mức thu, mức đóng và mức sử dụng...

Mặc dù đồng tình đưa danh mục viện phí, học phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật phí và lệ phí, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Hà Tĩnh) nhấn mạnh phải có lộ trình, làm rõ Nhà nước sẽ bù lỗ cái gì, cái gì đã có cơ sở hạ tầng, đã có lực lượng biên chế rồi.

Ta tính thế nào, bây giờ bác sĩ biên chế ta có, cơ sở vật chất ta sắm, nhưng lại nói tính đủ, tính đúng thì... không đúng. Cơ chế thị trường phải hạch toán chỗ này, trừ ra những khoản đó để xây dựng lộ trình cho phù hợp.

Dự thảo Luật phí và lệ phí sẽ tiếp tục được Quốc hội xem xét tại kỳ họp cuối năm.

V.V.THÀNH

Theo Tuổi Trẻ

 

Gởi câu hỏi Chia sẻ bài viết lên facebook 5,355

Bài viết về

Kỳ họp thứ 9 Quốc hội Khóa XIII

Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, P.6, Q.3, TP.HCM
Điện thoại: (028) 3930 3279 (06 lines)
E-mail: inf[email protected]