Chỉ xin "rút kinh nghiệm" về một số sai phạm trong ngành giáo dục và liên tục hứa "chúng tôi đang kiểm tra, đang thanh tra" mỗi khi đại biểu truy một vấn đề cụ thể liên quan chất lượng giáo dục, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thường xuyên bị Chủ tịch Quốc hội đề nghị đi thẳng ngay vào giải pháp.
Chủ đề chất vấn ông Phạm Vũ Luận sáng nay tập trung duy nhất chuyện nâng cao chất
lượng giáo dục.
"Xin khất vì tôi không có"
Đại biểu Phan Văn Tường (Thái
Nguyên) mở màn với câu hỏi về nghịch lý tại sao nhiều trường ĐH tuyển
không đủ chỉ tiêu nhưng số con em đi nước ngoài du học tự túc ngày càng tăng,
phải chăng liên quan đến chất lượng đào tạo trong nước.
Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận: Xin rút kinh nghiệm |
Bộ trưởng Phạm Vũ Luận vắn tắt, từ 2006 đến nay, cả nước lập 84 trường ĐH với 59 trường công lập. Tốc độ có giảm, nếu từ 2006 - 2008 lập 49 trường thì ba năm gần đây lập 35 trường, điều kiện thành lập trường được nâng lên.
Tuy nhiên, ông Luận thừa nhận, nhiều năm trước nhiều trường cũng không tuyển đủ sinh viên chứ không riêng năm vừa rồi.
4 nguyên nhân được chỉ ra, như nhiều ngành khó khăn về đầu ra và đãi ngộ thấp nên khó tuyển. Nhiều trường mới lập không đảm bảo chất lượng như ĐH Hà Hoa Tiên mấy năm qua chỉ tuyển được 10%. Nhiều trường mở ngành nghề đào tạo giống nhau, điển hình là khối kinh tế, ngân hàng. Ngoài ra, sau khi Bộ có chủ trương 3 công khai nên SV có điều kiện chọn trường tốt.
"Dù vậy, chất lượng ĐH còn bất cập và yếu kém", ông Luận thừa nhận.
ĐB Trần Minh Diệu: Đề thi sử và đáp án có vấn đề? |
Ông Luận cũng nhân tiện "đính chính" thông tin, rằng lãnh đạo tập đoàn Intel khẳng định, đại bộ phận người lao động trong Intel VN là nhân lực do trường ĐH trong nước dào tạo, có những người ở vị trí chủ chốt chứ không có chuyện mấy năm trước Intel nói không thể tuyển được SV Việt Nam.
Đồng thời, tin mừng là vị trí xếp hạng của giáo dục VN tại diễn đàn kinh tế thế giới đã cải thiện, nâng từ thứ 120 của năm 2008 lên 61 năm nay.
Chưa hài lòng với các thành tích trên, ĐB Phan Văn Tường truy tiếp, tôi hình dung hai cửa hàng gần nhau, một đông đúc và một ít khách. Ông chủ phải tính toán thế nào để hút khách?
Bộ trưởng Luận đáp lời, Bộ đang thanh tra các trường mới lập 10 năm nay để chấn chỉnh sai phạm, hiện đã đi 5 trường và phát hiện nhiều vấn đề như chưa thực hiện cam kết khi mở ra. Từ nay đến cuối năm sẽ kiểm tra 20 trường nữa.
Đến lượt ĐBNguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) chất vấn, Bộ đã kiểm định chất lượng được bao nhiêu phần trăm? Bên cạnh sai phạm của trường, có sai phạm của cơ quan quản lý không? Xác định trách nhiệm các bên thế nào? Bộ trưởng vừa nói có trường không đảm bảo chất lượng, tại sao vẫn giao chỉ tiêu tuyển sinh, ai chịu trách nhiệm?
Xin khất vì không có số liệu kết quả thanh tra, ông Luận nói thêm, Bộ đã dừng tuyển sinh 2 trường ĐH năm 2010 và đang kiểm tra thêm. "Chúng tôi sẽ thông báo kết quả. Thời điểm này chưa phát hiện được cơ quan quản lý nhà nước nào sai phạm để xử lý",ông Luận nói.
ĐBNguyễn Thành Tâm: Ai chịu trách nhiệm? |
Về việc các trường không đạt tiêu chuẩn nhưng vẫn được hoạt động, ông Luận lý giải, do công tác thanh tra có vấn đề. "Khi đoàn kiểm tra của Bộ xuống thì họ đưa đến 1 cơ sở nhưng thực tế đó không phải cơ sở của trường. Chúng tôi cũng thấy có trách nhiệm khi nhiều trường chưa thực hiện đúng cam kết, xin rút kinh nghiệm".
Một số tiêu cực khác mà ĐB Tâm truy cũng được Bộ trưởng hứa là đang thanh tra.
Đứng lên lần thứ hai, ĐB Tâm bình luận, "Bộ trưởng nói công tác thanh tra kiểm tra có sai sót và thừa nhận. Nhưng tại sao một đoàn kiểm tra liên ngành mà lại ngây thơ để các trường lừa như vậy?".Câu hỏi này được Bộ trưởng xin tiếp thu.
Trong lượt hỏi cuối, ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) vừa hỏi vừa bình: "Theo trả lời hình như Bộ trưởng chưa thừa nhận chất lượng thấp. Nhìn chung mặt bằng ĐH Việt Nam thấp so với thế giới và khu vực, phải nhìn vào thực chất mới thay đổi. Bộ trưởng có thuận lợi là tư lệnh mới, vậy ông có ý tưởng gì để giải quyết căn bản và toàn diện các tồn tại trên mặt bằng giáo dục của ta đang thấp?".
Hàng loạt ĐB đặt câu hỏi về tình
trạng mở các hệ tại chức, liên thông ào ạt... và Bộ trưởng liên tục khẳng
định "các trường mở đều trong quy hoạch và sẽ kiểm tra, nếu sai phạm sẽ xử lý".
Ông Luận cũng liên tục xin khất, xin rút kinh nghiệm, xin tiếp thu...
Xin Bộ trưởng nói thẳng
Phần trả lời của Bộ trưởng về chất lượng phổ thông và điểm kém môn sử cũng liên tục khiến đại biểu phải hỏi lại.
ĐB Trần Minh Diệu (Quảng Bình)
nêu, kết quả tốt nghiệp năm qua đạt 95,72% với hàng trăm trường
100%. Dư luận lo ngại chất lượng và việc coi thi, chấm thi có vấn đề. Hiện tượng không bình thường khác là kết quả môn thi lịch sử quá thấp, ngoài
nguyên nhân do chương trình, cách dạy, cách học, còn có lý do từ kiểm định chất
lượng, cử tri nói đề thi và đáp án môn lịch sử là có vấn đề?
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Bộ trưởng GD-ĐT |
Ông Luận chia sẻ, "chúng tôi cũng đặt câu hỏi về vấn đề trên". Nhưng qua kiểm tra, thanh tra, Bộ cho rằng, kết quả thi tốt nghiệp về cơ bản phù hợp kết quả bài thi trong điều kiện thi nghiêm túc hơn các năm trước.
Về môn lịch sử, ông Luận nói, Bộ cũng đã chỉ đạo thay đổi phương pháp học tập nhưng có thể thầy và trò đều chưa quen nên thay đổi chưa theo kịp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng ngắt lời: "Đề nghị Bộ trưởng nói thẳng, nói rõ đi, kết quả cao như vậy có phản ánh thực chất không vì mới sau 1 năm mà lại cao lên như thế? Còn chuyện lịch sử có phải chất lượng học thấp nên kết quả thi thấp. Đề nghị Bộ trưởng khẳng định thì từ đó mới đổi mới căn bản và toàn diện được. Bộ trưởng phải cố gắng đi thẳng vấn đề".
Bộ trưởng Luận đáp lời: Chúng tôi thấy kết quả thi và chấm thi có vấn đề.
Chủ tịch Quốc hội cắt ngang: "Ta đang bàn chất lượng, chất lượng không tương xứng với kết quả thi. Bộ trưởng có khẳng định như vậy không. Khẳng định thì mới có giải pháp".
Không chút ngập ngừng, Bộ trưởng Luận nói luôn, hầu hết các trường đỗ 100% là trường của tỉnh, có những trường thi ĐH cũng đỗ tới 98 - 100%. "Tất nhiên chúng tôi không thể đi hết mà chỉ đi trọng điểm và kết quả kiểm tra phúc tra cho thấy như vậy",ông Luận nói.
Theo ông, chất lượng thi cử tăng lên là kết quả của việc đầu tư cho kiên cố hóa trường học, công vụ, tăng chuẩn giáo viên, vận động giải quyết học sinh yếu kém bằng nhiều biện pháp khác nhau với các phong trào 3 đủ, 2 không. "Phải nói là chất lượng học sinh yếu kém ở vùng trũng có chuyển biến tích cực, còn ở vùng trên chưa chuyển biến",ông Luận chia sẻ.
ĐB Trần Minh Diệu lắc đầu trước lời giải thích trên và tiếp tục đứng lên nói thẳng, "đề nghị Bộ trưởng nhìn vào kết quả thi chưa phản ánh đúng chất lượng, nhất là bổ túc văn hóa khi ở nhiều nơi cũng đạt 100%".
Với môn lịch sử, ông Diệu cho rằng, học sinh không kém đến mức như kỳ thi vừa rồi, vì kết quả học sử các năm vừa qua bình thường, thậm chí cao hơn nhiều môn khác và kết quả thi học sinh giỏi quốc gia môn này cũng khá cao. "Nhiều học sinh đạt giải cao lịch sử nhưng khi thi đại học lại điểm thấp, đó là do đề thi và đáp án có vấn đề", ông Diệu nói.
Phần trả lời của Bộ trưởng Luận sau đó đã được Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp sức. Có 39 lượt đại biểu đặt câu hỏi, ở lượt hỏi cuối có tới hơn 20 đại biểu được đứng lên.
Tiếng chuông cảnh báo ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình): Bộ trưởng đánh giá thế nào về chất lượng hệ đào tạo chính quy và tại chức? Ở vị trí tuyển dụng, Bộ trưởng sẽ chọn sản phẩm nào? Bộ trưởng Phạm Vũ Luận: Bản thân hệ tại chức không có lỗi. Nhiều nhà khoa học nổi tiếng cũng xuất thân từ tự học. Ngay như GS Viện sĩ Nguyễn Cảnh Toàn cũng là người trưởng thành từ tự học là chính. Chất lượng tại chức yếu là do quản lý yếu kém và do tác động tiêu cực của việc chạy theo bằng cấp. Sẽ chấn chỉnh các lệch lạc trên. Không phân biệt giữa đào tạo công lập và ngoài công lập. Nhưng thực tiễn nhiều địa phương từ chối bằng tại chức và ngoài công lập cũng là tiếng chuông cảnh báo để nâng cao chất lượng đào tạo ngoài công lập và tại chức. |
Lê Nhung - Ảnh: Minh Thăng