|
Quy định quyền phúc quyết của dân
Thay mặt Đoàn Chủ tịch trình các kiến nghị liên quan đến sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 tại hội nghị, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ VN Vũ Trọng Kim nhấn mạnh Hiến pháp sửa đổi tới đây phải đảm bảo các quy định về Mặt trận trong điều kiện duy nhất một Đảng lãnh đạo, MTTQ VN không chỉ động viên tinh thần yêu nước, nhiệt tình lao động của toàn dân cho công cuộc đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc..., mà phải thể hiện được vai trò tham chính và phản biện xã hội, nhằm bảo đảm cho sự lãnh đạo và điều hành đất nước tránh những sai lầm, khuyết điểm do tệ quan liêu, chủ quan duy ý chí gây nên.
|
Ngoài ra, Mặt trận cũng kiến nghị sửa đổi quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân với 3 vấn đề cơ bản, gồm bầu cử, bãi nhiệm và phúc quyết như Hiến pháp năm 1946 đã quy định thành một mục, gồm một số điều trong chương 2 về nghĩa vụ và quyền lợi của công dân. Theo đó, về bầu cử, ngoài quy định chế độ bầu cử phổ thông đầu phiếu, bỏ phiếu tự do, trực tiếp và kín, cần quy định thêm để bầu cử thực sự là một phương thức kiểm soát quyền lực nhà nước, gắn bó chặt chẽ trách nhiệm qua lại giữa cử tri và người được bầu.
Theo ông Kim, phúc quyết về Hiến pháp và những việc quan hệ đến vận mệnh quốc gia là một quyền thể hiện đầy đủ nhất “tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân” nhưng Hiến pháp năm 1992 chưa quy định điều này. Vì vậy, Mặt trận kiến nghị cần nghiên cứu bổ sung vào Hiến pháp sửa đổi lần này, trên cơ sở xác định những quan điểm cơ bản, những vấn đề mang tính tầm nhìn, sau đó là những vấn đề mang tính thể chế, tính quy phạm cụ thể, nhằm đảm bảo chủ quyền nhà nước thuộc về nhân dân.
Cũng liên quan đến nội dung bổ sung, sửa đổi Hiến pháp 1992, Mặt trận đã có những kiến nghị về thể chế hóa vai trò lãnh đạo của Đảng. Ông Vũ Trọng Kim dẫn ý kiến Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ VN cho rằng, để phát huy đầy đủ quyền lãnh đạo của Đảng, tránh lạm quyền và ảnh hưởng đến vai trò và uy tín của Đảng, cần đề cập đến vị trí, vai trò của Đảng trong Hiến pháp 1992 sửa đổi theo một trong hai phương án. Phương án một là đưa vào lời nói đầu của Hiến pháp nội dung như Điều 4 hiện hành và bổ sung thêm một chương riêng về Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó quy định rõ một số điều về các vấn đề như hoạt động lãnh đạo của Đảng đối với sự phát triển xã hội, làm rõ mối quan hệ giữa Đảng với Nhà nước trong điều kiện Đảng cầm quyền; quan hệ của Đảng với nhân dân trong điều kiện không có đa đảng và đối lập; về trách nhiệm của Đảng (tổ chức và cá nhân) đối với sự phát triển của xã hội... Phương án 2 là giữ Điều 4 như hiện hành, đồng thời soạn thảo một đạo luật riêng về Đảng và sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Phải đánh giá được lòng dân
Lòng dân còn ngổn ngang nhiều lo lắng là nhận định chung của nhiều thành viên Đoàn Chủ tịch Mặt trận, khi góp ý cho báo cáo kết quả công tác của Mặt trận 6 tháng đầu năm và dự kiến 6 tháng cuối năm 2012.
Theo GS Lưu Văn Đạt, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân chủ pháp luật của Ủy ban Trung ương MTTQ VN, báo cáo của Mặt trận “chưa làm rõ được những cái cũ và mới nổi bật trong 6 tháng qua liên quan đến đời sống nhân dân, trong khi thực tế đã xảy ra những chuyện động trời như vụ việc Tiên Lãng (Hải Phòng) hay vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Văn Giang (Hưng Yên)”. Bên cạnh nhìn nhận những vấn đề “cũ nhưng vẫn tiếp diễn” như đời sống nhân dân còn nhiều khổ cực, GS Đạt cho rằng cái mới nổi lên đáng lo ngại trong 6 tháng qua chính là “bắt đầu có sự đối lập hoàn toàn giữa nhân dân với chính quyền, thậm chí chính quyền sử dụng vũ lực để đàn áp, cưỡng chế thu hồi đất của dân” và ông cho rằng “đó là chuyện hoàn toàn không chấp nhận được trong chế độ XHCN của chúng ta”.
Trong báo cáo có nêu tình hình chống tham nhũng bắt đầu có chuyển động nhưng theo GS Đạt, chúng ta chưa làm được bao nhiêu, không chỉ ở Trung ương mà ở tất cả các cấp. “Nếu các đồng chí đi xe taxi hoặc xe buýt, nghe người ta nói râm ran cho tất cả mọi người, rằng chức vụ nào cũng có giá cụ thể, thậm chí đến vị trí nhân viên cũng có giá. Chưa có bằng chứng nào nhưng có thể tin được. Thì đây là vấn đề phải xử lý, chính cái đó liên quan đến bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái, thoái hóa. Kỳ này chỉnh đốn Đảng mà không nhận diện được bộ phận không nhỏ này thì coi như chúng ta xây dựng, chỉnh đốn Đảng không thành công”, ông Đạt nhận định.
Ông Lù Văn Que, thành viên Đoàn Chủ tịch, tiếp lời: Báo cáo hoạt động của Mặt trận phải đánh giá được lòng dân bây giờ thế nào. Theo ông Que, hiện có nhiều cái lo nổi lên, trong đó có tình hình biển Đông. “Về tình hình biển Đông, tôi đi tiếp xúc một số người, dân rất lo. Trung Quốc thành lập TP.Tam Sa, mới chỉ có tỉnh Khánh Hòa, Đà Nẵng lên tiếng, vừa rồi lại đấu thầu mời thầu dầu khí, không biết Trung Quốc sẽ dừng lại hay tiếp diễn? Dân nhận xét thái độ của Mặt trận đối với vấn đề này chưa rõ, cần phải xem lại”, ông Que phản ánh.
Cùng nhận định, GS - Viện sĩ Nguyễn Duy Quý kiến nghị: “Mặt trận cần có tuyên bố về biển Đông để người dân được yên tâm, vì những hành động của Trung Quốc vừa rồi là vi phạm chủ quyền của Việt Nam chứ đây không phải là chuyện tranh chấp gì nữa cả”.
Nhiều hoạt động Đoàn đạt kết quả tốt Các thành viên của Mặt trận cũng đã có báo cáo kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2012 tới Hội nghị Đoàn Chủ tịch. Theo báo cáo của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phong trào “Năm xung kích phát triển KT-XH và bảo vệ Tổ quốc”, “Bốn đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” tiếp tục được các cấp bộ Đoàn đẩy mạnh triển khai với chất lượng ngày càng được nâng cao gắn với việc thi đua hoàn thành, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, chương trình, dự án đã được Nghị quyết ĐH Đoàn toàn quốc lần thứ 9 thông qua. Một số nội dung triển khai đạt kết quả tốt, như cuộc vận động “Tuổi trẻ chung tay xây dựng nông thôn mới”, các hoạt động xung kích, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng, triển khai năm An toàn giao thông quốc gia, các chương trình, hoạt động hướng về biển, đảo và phát triển kỹ năng xã hội cho thanh thiếu nhi... |
Nguyệt Minh